Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15. Trong đó một đề xuất được dư luận quan tâm là “cá nhân chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua 3 - 5 căn nhà một năm”.
Đề xuất trên ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có một số ý kiến cho rằng điều này sẽ vi phạm quyền tự do kinh doanh của người dân. Còn một số ý kiến khác lại cho rằng quy định này sẽ nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng, giúp những người có nhu cầu ở thật tiếp cận được nhà ở.
Tuy nhiên, tại dự thảo lần 2 của Nghị được cập nhật ngày 5/3, Bộ Xây dựng chỉ đề cập cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp, thực hiện giao dịch theo pháp luật về dân sự, công chứng và phải kê khai nộp thuế theo đúng quy định.
So với dự thảo trước đó, Bộ đã bỏ 3 phương án xác định cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ tại khoản 1 Điều 7 của dự thảo. Trong đó có một phương án là cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai 3 - 5 nhà ở hoặc căn hộ chung cư trong một năm. Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê công trình xây dựng có sẵn, hoặc hình thành trong tương lai từ 5 - 10 công trình hoặc 5 - 10 phần diện tích sàn tại công trình trong một năm.
Thực tế, để điều tiết thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh hơn, việc kiểm soát đầu cơ bằng công cụ thuế đã được nhắc tới từ nhiều năm nay.
Đơn cử, năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (trước mắt là đối với nhà ở, đất) tại TP HCM khi họp bàn xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, qua tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không thí điểm thu thuế tài sản tại TP HCM.
UBND TP HCM nhiều năm trước cũng từng có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch trong lĩnh vực này trong vòng một năm.
Tháng 4/2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Với nhà ở, Bộ này xây dựng hai phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.
Tuy nhiên, khi đề xuất vừa đưa ra ngay lập tức đã gây nhiều tranh cãi của người dân và giới chuyên môn. Sau đó, Bộ Tài chính đã rút đề xuất này.
Đầu năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan này nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ…
Trong dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để trình Chính phủ do Bộ Tư pháp soạn thảo, cũng có nhắc tới việc nghiên cứu bổ sung quy định về thuế đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ. Hướng đánh thuế được đưa ra là áp dụng thuế suất cao hơn với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn (lướt sóng) nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ dẫn đến bong bóng.
Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đặt ra nhiệm vụ phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Trong đó, yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Đất đai 2024 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất. Quy định này được cho là nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, gây lãng phí tài nguyên đất.
Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc… đã áp dụng chính sách thuế để xử lý tình trạng phát triển nóng của thị trường, chống đầu cơ bất động sản, thực hiện điều tiết để thị trường phát triển ổn định lành mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng chính sách về thuế bất động sản tại Việt Nam cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh vi hiến…