CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) là đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán vào tuần tới.
Công ty chốt ngày 9/8 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức đợt 2 năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 35% (1 cổ phiếu nhận 3.500 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 8/8. Ngày thanh toán dự kiến là 21/8.
Với hơn 130,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dược Hậu Giang cần chi hơn 457 tỷ đồng trả cổ tức. CTCP Chế tạo thuốc Taisho sẽ bỏ túi 233 tỷ đồng nhờ nắm 51,01% vốn. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể nhận về 198 tỷ đồng do sở hữu 43,31% vốn.
Hồi tháng 6, công ty đã tiến hành trả cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 40%. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của công ty là 75%. Đây cũng là mức cổ tức cao kỷ lục kể từ khi lên sàn của Dược Hậu Giang.
Những năm gần đây, công ty thường trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Tỷ lệ năm 2022 và 2021 cùng là 35%, năm 2020 và 2019 cùng là 40%.
CTCP Vinatex Đà Nẵng (Mã: VDN) thông báo ngày 8/8 là ngày đăng ký cuối để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8.
Với hơn 3,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 6,2 tỷ đồng trả cổ tức. Cổ đông lớn của công ty là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) sẽ nhận gần 1,8 tỷ đồng do nắm 28,64% vốn.
Vinatex Đà Nẵng được thành lập năm 1995, tiền thân là Chi nhánh Tổng Công Dệt May Việt Nam tại Đà Nẵng. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, hàng thêu đan. Nhật và Mỹ là hai thị trường chính của công ty khi cùng chiếm 40% thị phần xuất khẩu.
Cổ đông CTCP Thủy điện Quế Phong (Mã: QPH) sắp được tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 8/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8.
Với hơn 18,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần bỏ ra hơn 37 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đợt chia cổ tức này, CTCP Điện lực Trung Sơn dự kiến nhận gần 32 tỷ đồng nhờ sở hữu 85,52% vốn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2024 bằng tiền, tỷ lệ 20%. Như vậy, công ty đã hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Thủy điện Quế Phong được vào năm 2005, tiền thân là Ban quản lý Dự án Thuỷ điện Bản Cốc thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Công ty thuỷ điện này có trụ sở tại Nghệ An và có hàng loạt dự án như nhà máy thủy điện Bản Cốc (công suất 18 MW), nhà máy thủy điện Sao Va (công suất 3 MW), nhà máy thủy điện Nhạn Hạc (công suất 45 MW).
Vào ngày 8/8, CTCP Cấp nước Vĩnh Long (Mã: VLW) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 16,22% (1 cổ phiếu nhận 1.622 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/8.
Với 28,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Cấp nước Vĩnh Long cần chi gần 47 tỷ đồng trả cổ tức. Cổ đông lớn của công ty là UBND tỉnh Vĩnh Long, nắm 51% vốn có thể nhận khoảng 24 tỷ đồng cổ tức. CTCP Xây lắp - Điện Biwase sẽ bỏ túi gần 16 tỷ đồng do nắm 33,65% vốn.