Công nghệ

Loạt AI biến trí tưởng tượng thành hình ảnh

Một năm qua, sự nở rộ của AI tạo sinh đã giúp người dùng có thể vẽ ra những ý tưởng vốn nằm chỉ trong trí tưởng tượng của mình. Với thuật toán và hàng tỷ GB dữ liệu được dùng để đào tạo, trí tuệ nhân tạo có thể sáng tác và sinh ra nội dung như ảnh, video, âm thanh, mã code, văn bản.

Một bức ảnh do Bing Image Creator tạo ra.

Một bức ảnh do Bing Image Creator tạo ra.

Midjourney

Midjourney ra mắt từ 2021 nhưng rộ lên từ giữa năm ngoái sau khi cho phép tạo những bức tranh nghệ thuật và những bức ảnh như thật. Công ty đứng sau từng cung cấp bản dùng thử miễn phí, còn hiện thu phí 10-60 USD mỗi tháng tùy số lượng ảnh được tạo và tính năng khác.

Midjourney được đánh giá là công cụ AI thông minh nhất trong việc tạo ảnh đẹp chỉ bằng đoạn mô tả ngắn. Thực tế, chỉ sau vài tháng, hàng triệu người đã dùng AI này để sáng tác ảnh, dựng phim, làm bìa tạp chí, tranh minh họa...

Nhưng sau đó, công cụ liên tiếp gây tranh cãi khi được sử dụng cho mục đích chính trị, trong đó có những bức ảnh giả về cựu tổng thống Mỹ Donald Trump hay Giáo hoàng Francis. Nó cũng bị giới họa sĩ phản ứng khi giúp một họa sĩ giành giải trong cuộc triển lãm hội họa, cũng như sử dụng hình ảnh của họ để đào tạo AI.

Một số bức ảnh do Midjourney tạo ra.

Một số ảnh do Midjourney tạo ra.

Loạt sản phẩm từ Microsoft

Microsoft có một số trình tạo ảnh bằng AI như Bing Image Creator, Microsoft Designer và chế độ Creative Mode của Bing Chat. Cả ba về cơ bản đều miễn phí cũng như không giới hạn tính năng, miễn là người dùng có tài khoản Microsoft và được duyệt trong danh sách chờ của Bing Chat và Image Creator.

Hình ảnh tĩnh vật tạo từ Bing Chat.

Ảnh tĩnh vật tạo từ Bing Chat. Ảnh: PCWorld

Trong số đó, Creative Mode được đánh giá nổi bật hơn cả, thậm chí "chỉ kém một chút" so với Midjourney, theo PCWorld. Người dùng chỉ cần nhập lời nhắc "Vẽ cho tôi một..." kèm mô tả. Ảnh tạo ra có kích thước 1.024×1.024 pixel. Công cụ này dựa trên mô hình Dall-E 2 của OpenAI, không giới hạn số lượng ảnh được tạo nhưng cấm các nội dung chính trị hoặc người nổi tiếng.

Playground AI

Playground được đánh giá là trình tạo ảnh đơn giản nhưng phù hợp với người dùng muốn tạo ảnh nhanh từ trí tuệ nhân tạo. Chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản Google, người dùng có thể sáng tác 1.000 ảnh miễn phí mỗi ngày. Nhưng sau hình ảnh thứ 50, độ phân giải và kích thước ảnh sẽ bị giảm xuống.

Giao diện tạo ảnh của Playground AI. Ảnh: PCWorld

Giao diện tạo ảnh của Playground AI. Ảnh: PCWorld

Giao diện của Playground có thiết kế trực quan và dễ dùng. Tuy nhiên, AI này hiện chỉ sử dụng Stable Diffusion 1.5 và 2.1 cho bản miễn phí. Nếu muốn sử dụng phiên bản tích hợp Dall-E 2, người dùng cần trả thêm 10 USD/tháng.

Adobe Firefly

Công cụ AI mới của Adobe hiện cho thử nghiệm công khai, không giới hạn số ảnh tạo cũng như nội dung tạo ra. Ngoài tạo ảnh từ văn bản, công ty cho biết sẽ sớm tích hợp khả năng biến mô hình 3D thành hình ảnh hoặc các phác thảo sơ sài thành hình ảnh.

Giao diện tạo ảnh Adobe Firefly. Ảnh: PCWorld

Giao diện tạo ảnh Adobe Firefly. Ảnh: PCWorld

Tuy vậy, Firefly được đánh giá chưa thực sự sáng tạo như các mô hình vẽ tranh khác vì hình ảnh được tạo không đột phá. Bù lại, giao diện của công cụ chuyên nghiệp và dễ hiểu. Adobe được dự đoán sẽ sớm đưa Firefly lên các phần mềm tạo ảnh nổi tiếng của hãng như Photoshop hay Lightroom.

Stable Diffusion

Stable Diffusion là trình AI tạo ảnh từ văn bản được công ty Stability AI tại Anh tung ra hồi tháng 8 năm ngoái. Không giống các công cụ khác hoạt động trên dữ liệu đám mây, Stable Diffusion có thể chạy cục bộ trên máy tính. Đây là AI tạo ảnh miễn phí có các tính năng mạnh mẽ nhất, theo PCWorld.

Một số ảnh tạo từ Stable Diffusion.

Một số ảnh tạo từ Stable Diffusion.

Tuy vậy, do chạy cục bộ, điểm yếu của Stable Diffusion là đòi hỏi máy tính cài đặt phần mềm phải có cấu hình mạnh cùng khả năng xử lý đồ họa tốt. Ngoài ra, để tạo được ảnh ưng ý, người dùng cần tải thêm các phần bổ trợ trên trang chủ.

(theo PCWorld)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm