Đào Cường, sinh viên năm cuối một trường đại học tại Hà Nội, cho biết anh vốn thích mẫu tai nghe True Wireless của Apple vì tính tiện dụng và thời trang. Tuy nhiên với số tiền hạn chế, anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến một mẫu có ngoại hình tương tự.
"Sau khi dùng thử tai nghe của một người bạn, vốn là hàng nhái, tôi thấy chúng cũng không khác nhiều so với hàng chính hãng nên đặt mua", Cường kể. Chiếc tai nghe gắn mác "AirPods 3" được anh đặt trên một trang thương mại điện tử có giá 600 nghìn đồng, bằng 1/8 giá sản phẩm Apple. Tuy nhiên khi đeo thử, mọi tính năng đều khác quảng cáo. Sau khi kiểm tra, anh mới biết tai nghe của mình là "hàng nhái của nhái" AirPods.
Sôi động thị trường tai nghe AirPods nhái
Các mẫu tai nghe ăn theo sản phẩm Apple vốn đã xuất hiện từ lâu, nhưng rộ lên từ 2019 sau khi thị trường xuất hiện một số model giả được tính năng tự động kết nối của Apple. Theo một chủ buôn đồ điện tử tại Hà Nội, thị trường AirPods nhái từ đó đến nay gần như phát triển song song với AirPods chính hãng.
"Mỗi khi Apple ra phiên bản mới, thị trường ngay lập tức có hàng giống hệt từ Trung Quốc với giá chỉ chỉ vài trăm nghìn đồng", người này nói.
Tìm kiếm với từ khóa "AirPods" trên một trang thương mại điện tử top đầu ở Việt Nam, hầu hết kết quả trả về là những mẫu tai nghe có ngoại hình và cách đặt tên giống, với giá từ 200 nghìn đồng đến một triệu đồng. Nhiều gian hàng ghi nhận lượng bán cả chục nghìn đơn.
Một số công ty chuyên làm sản phẩm nhái AirPods thậm chí trở thành thương hiệu được nhiều người chấp nhận, như TWS, ANC, Hổ vằn... Sản phẩm được làm giống Apple AirPods, từ cách đóng hộp, ngoại hình đến tính năng. Các đặc trưng của tai nghe Apple như tự động phát hiện khi ở gần iPhone, tự dừng nhạc khi bỏ khỏi tai, kiểm tra serial trên web Apple... cũng xuất hiện trên các mẫu tai nghe nhái có giá từ 600 đến 1,2 triệu đồng này, trong khi hàng chính hãng là từ 3 đến 5 triệu đồng.
Từ việc sản xuất tai nghe nhái, bản thân các thương hiệu trên cũng bị nhái theo. Đào Cường là một nạn nhân điển hình. Cậu định mua AirPods '"Hổ vằn", nhưng thực tế nhận về là mẫu tai nghe gắn mác hổ còn linh kiện đều là hàng chất lượng kém hơn.
"Thị trường nhái AirPods hiện khá hỗn loạn. Nếu không có kinh nghiệm, người dùng trả tiền để mua tai nghe nhái chất lượng cao, nhưng có thể nhận được hàng nhái chất lượng thấp", Đức Ngọc, một người kinh doanh AirPods nhái, cho biết.
Đánh đổi chất lượng vì giá rẻ
Phạm Tuyển (Hưng Yên) cho biết trong vòng một năm "chơi" tai nghe AirPods nhái, cậu phải mua đến chiếc thứ ba vì sản phẩm gặp trục trặc.
"Chiếc đầu tiên có chất âm chói gắt, nghe khó chịu nên tôi không dùng và đem tặng. Chiếc thứ hai bị hỏng nút bấm. Sản phẩm hiện tại thỉnh thoảng bị lỗi kết nối, nhưng vẫn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản nên tôi chấp nhận", Tuyển kể.
Anh đánh giá số tiền mua ba tai nghe nhái đến nay cũng gần bằng tiền mua tai nghe chính hãng, nhưng "vẫn dễ chịu hơn việc phải bỏ ra 3-4 triệu đồng một lúc cho tai nghe xịn".
Trên một cộng đồng người sử dụng hàng Apple nhái với gần 90 nghìn thành viên, không ít người gặp rắc rối trong quá trình sử dụng. Phần lớn là các vấn đề liên quan đến chất âm, độ bền, thời lượng pin... Do đặc thù của tai nghe True Wireless, khi một bên tai nghe hỏng, người dùng gần như sẽ phải mua mới toàn bộ.
Nguyễn Kiên, một người kinh doanh AirPods nhái, tiết lộ tỷ lệ lỗi bị khách hàng phản ánh tại cửa hàng khoảng 10%, tương đối cao với một thiết bị điện tử. Khi sử dụng sản phẩm không chính hãng, người dùng có thể đối mặt với nguy cơ về chất lượng sản phẩm kém, rủi ro cháy nổ pin... "Tuy nhiên do sản phẩm có giá dễ tiếp cận hơn hàng chính hãng, nhiều người vẫn chấp nhận", anh Kiên nói.