Loại quả mà chúng ta đang nhắc đến chính là vải thiều . Vải thiều là loại quả đặc trưng cho mùa hè của người Việt, được trồng phổ biến nhất ở Hải Dương và Bắc Giang. Vải thơm, ngọt vì thế được người dân khắp nơi trên thế giới ưa chuộng.
Tại Nhật, quả vải chưa bao giờ hết sốt. Thời điểm mới xuất khẩu sang Nhật vào năm 2020, chỉ trong 1 ngày 2 tạ vải thiều đã bán hết sạch. Đến nay, vải thiều vẫn là loại quả Việt vô cùng được săn đón tại Nhật Bản. Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản cho biết bản thân chưa từng được ăn quả vải tươi ngon và có hương thơm dịu nhẹ như thế này.
Không chỉ ở Nhật, vải thiều còn là thức quả được yêu thích tại Pháp, Bỉ và các nước châu Âu khác.
Thời xa xưa, vải là loại quả ưa thích của một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc - Dương Quý Phi. Quả vải ở thời đó được coi là quý báu, chỉ được dùng cho tầng lớp quý tộc.
Vải thiều Việt Nam ngoài thơm, ngọt hấp dẫn còn bổ dưỡng sánh ngang một vị thuốc. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Quả vải còn gọi là lệ chi. Cùi vải vị rất ngọt không độc, tác dụng ích tâm, bổ huyết, tỉnh táo tinh thần, ích trí, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, tráng dương. Đông y thường dùng vải dưới dạng khô để làm thuốc.
Ngoài phần cùi, phần hạt vải cũng là một vị thuốc lâu đời, vị ngọt, chát tính ôn, không có độc, là thuốc chữa âm nang sưng đau (thoát vị).
Nếu ăn quả vải thường xuyên, cơ thể nhận được những lợi ích tuyệt vời nào?
1. Thanh nhiệt giải độc và làm đẹp
Vải thiều có vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ tinh, ích tủy, tăng cường sinh lực cho cơ thể và dạ dày, dưỡng khí bổ huyết, dưỡng da, giữ ẩm cho da, cải thiện chức năng gan, đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố. Thúc đẩy quá trình tạo tế bào và làm da mềm mại. Vải thiều loại trái cây lý tưởng để giải độc và làm đẹp.
2. Tăng cường chức năng miễn dịch
Cùi vải rất giàu vitamin C và protein, giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, nâng cao khả năng kháng bệnh. Vì vậy, vải thiều từ xa xưa đã được coi như một loại thuốc bổ quý.
3. Bổ thận
Ăn quả vải vào mùa hè bồi bổ cho thận âm thêm mạnh, làm mát bàng quang nên không bị đi tiểu dắt.
4. Bổ sung năng lượng
Cùi vải rất giàu glucose và sucrose, với tổng hàm lượng đường hơn 70%, đứng đầu trong nhiều loại quả, có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng cường dinh dưỡng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vải thiều có tác dụng nuôi dưỡng mô não, có thể cải thiện đáng kể chứng mất ngủ, hay quên và tinh thần mệt mỏi.
5. Trị đau bụng, tiêu chảy cấp mạn, tỳ hư gây ngũ canh tiết tả (đi ngoài lỏng sáng sớm)
Nấu cháo vải khô 5-10 quả. Có thể cho thêm các vị như hoài sơn, hạt sen 10g, bạch biển đậu 10g.
6. Trị suy nhược thần kinh và thể lực kể cả liệt dương
Dùng vải tươi 500g-1.000g ngâm vào một lít rượu 7-10 ngày. Uống vào chiều tối, mỗi lần 25-30ml.
4 đối tượng phải tránh ăn vải
Lương y Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, do quả vải quá ngọt và nóng nên không được ăn nhiều. Kẻo dễ bị bệnh viêm nhiệt như ngứa, nhiều rôm sảy, mụn nhọt, trằn trọc khó ngủ. Ăn nhiều vải cũng gây "bốc hỏa", có thể dẫn đến "chứng bệnh lệ chi" (say vải) với triệu chứng choáng váng, nhức đầu... Người bình thường không nên ăn quá 10 quả, trẻ em không quá 3-4 quả một lần.
4 nhóm người không được ăn vải:
- Người bị bệnh tiểu đường: Do lượng đường cao nên khi ăn có khả năng làm tăng lượng đường trong máu.
- Người tạng nhiệt: Nên ăn ít quả vải bởi dễ sinh nóng, chỉ nên dùng tối đa 10 quả, chia làm hai lần trong ngày.
- Người đang đói: Khi bụng rỗng, lượng đường trong quả cao sẽ kích thích lớp niêm mạc dạ dày gây đau, viêm nhiệt hoặc say với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
- Người thừa cân, béo phì, người muốn giảm cân nên hạn chế ăn vải kẻo lượng đường trong vải sẽ gây tăng cân.
Ngoài ra, lương y Bùi Đắc Sáng cũng khuyên nên ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài cùi vải để hạn chế sinh nhiệt, sinh hỏa, tuy rằng vị hơi chát và khó ăn.