Vùng đất mới của loạt dự án tỉ đô
Trong bối cảnh quỹ đất ở Tp.HCM ngày càng hạn hẹp, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dồn sự chú ý về các tỉnh lân cận. Nếu Bình Dương và Đồng Nai đã sôi động trong vài năm qua với sự góp mặt của nhiều tên tuổi thì đến nay Long An mới thực sự “thực chiến” khi cùng lúc được nhiều ông lớn để ý. Việc các đại gia địa ốc “đổ móng” bằng loạt các dự án tỉ USD tại Long An đang tạo ra kì vọng cho một sân chơi mới ở một chu kì bất động sản mới.
Theo ghi nhận, gần đây loạt “ông lớn” như Vingroup, Ecopark, MIK Group, VPBank, BIM Group, Eurowindow... cùng lúc tiến về thị trường Long An gây chú ý.
“Phát súng” đầu tiên gây tiêng vang ngay đầu năm 2024 phải kể đến liên danh Vinhomes và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) là đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của tỉnh Long An tính đến hiện tại. Sơ bộ chi phí thực hiện dự án này lên đến con số 80.079 tỷ đồng, tương đương hơn 3,7 tỷ USD. Dự án có hơn 7.000 căn nhà ở liền kề, gần 8.200 biệt thự, khoảng 13.440 căn hộ chung cư và 2.370 căn nhà ở tái định cư thấp tầng.
Trong khi đó, vào năm 2023, tỉnh này liên tục “đón đại bàng về làm tổ”. Cụ thể, vào tháng 5/2023, UBND tỉnh Long An đã có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm của liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và CTCP Tập đoàn Ecopark thực hiện Khu đô thị sinh thái, thương mại du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án có tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn BIM Group ký biên bản ghi nhớ để nghiên cứu đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thực phẩm tại Long An.
Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng cũng đã ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ với tiêu chuẩn quốc tế tại Long An.
Ngân hàng VPBank và Công ty cổ phần Tập đoàn MIK Group đã ký bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 nhà đầu tư này đề xuất dự án đầu tư đường Vành đai 4 Tp.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh Long An.
Vào tháng 10/2023, UBND tỉnh Long An có quyết định chấp thuận CTCP Phát triển Thành Phố Xanh - công ty con của Vinhomes là nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa tại thị trấn Hậu Nghĩa, xã Đức Lập Thượng và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 28.258 tỷ đồng.
Vào tháng cuối 8/2023, UBND tỉnh Long An đã có quyết định phê duyệt Liên danh CTCP Đầu tư Tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa - CTCP Đầu tư Trung tâm thương mại Vinh - CTCP Đầu tư Du lịch Eurowindow Nha Trang là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị tại Phường 4 và Phường 6, TP Tân An. Khu đô thị có mô hơn 137 ha, vốn thực hiện hơn 7.118 tỷ đồng.
Trước đó, loạt doanh nghiệp như Nam Long, Becamex, Vạn Thịnh Phát, Him Lam, Cát Tường, Trần Anh…cũng từng đổ bộ vào Long An, phát triển các dự án quy mô lớn.
Lộ lý do phía sau, xuất hiện “sóng” thị trường theo các ông lớn
Những động thái của các ông lớn đã trở thành “chất xúc tác” khiến thị trường bất động sản Long An rục rịch trở lại sau khoảng thời gian im ắng.
Theo ghi nhận, hiện có một số dự án tại Long An rục rịch theo "sóng" thị trường. Chẳng hạn, đơn vị Tổng đại lý West Land đang tung ra thị trường phân khu Saigon West Village, nằm trong tổng thể dự án liền kề đại đô thị sinh thái, thương mại, du lịch 220ha của tập đoàn EcoPark. Đây cũng là dự án hiếm hoi có đủ điều kiện pháp lý để sang tên ngay cho khách hàng ở thị trường sơ cấp hiện nay.
Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà các đại gia bất động sản chọn Long An làm “bến đỗ”. Nếu nói nơi đây là miền đất mới thì không hẳn nhưng gọi là vùng đất tiềm năng của khu vệ tinh Tp.HCM là hoàn toàn đúng với thị trường Long An.
Có 70km tiếp giáp Tp.HCM, Long An được ví như “miếng đệm” kết nối Tp.HCM với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua tiềm năng vẫn đang bị “bỏ ngõ” trong chiếc áo chật hẹp mang tên hạ tầng. Đến nay, Long An mới thực sự được chú ý nhờ loạt động thái từ các doanh nghiệp lớn và các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư bài bản.
Bên cạnh đó, Long An có thế mạnh về cảng biển và khu công nghiệp. Với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam, Long An đã quy hoạch phát triển công nghiệp với diện tích 15.000ha, gồm 37 KCN và 59 CCN được phê duyệt . Trong đó, 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 68% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 90%. Đây là một phần lý do khiến các ông lớn dồn sự chú ý về khu vực này.
Nếu làm phép so sánh giữa các tỉnh vệ tinh Tp.HCM với nhau có thể thấy được tiềm năng của Long An. Bình Dương hay Đồng Nai đều là những khu vực phát triển lâu đời, hệ thống hạ tầng bài bản nên quỹ đất không dễ tìm, giá bán không còn rẻ. Trong khi Long An cách Tp.HCM không xa nhưng giá đất còn mềm, quỹ đất lớn; lại thuận lợi kết nối giao thông qua loạt tuyến đường đã hiện hữu như cao tốc Tp.HCM – Trung Lương; cao tốc Bến Lức – Long Thành; Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62, Quốc lộ N1, quốc lộ N2. Thực tế, thời gian qua các ông lớn địa ốc đã nhìn thấy tiềm năng này khi quyết định đầu tư dự án.
Chia sẻ mới đây, ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh Long An đã đạt nhiều kết quả nổi bật về KT-XH. Trong đó, quy mô kinh tế đứng đầu vùng ĐBSCL, chiếm trên 13% tổng quy mô của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Để tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, tỉnh đang tập trung hoàn thiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm và đầu tư đồng bộ các dự án giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với Tp.HCM và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, kết nối thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh để doanh nghiệp đến đầu tư tại Long An dễ dàng kết nối và thuận lợi giao thương, xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Từng nhận định về tiềm năng của Long An, ông Trần Khánh Quang, người có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất đống sản cho rằng, trong các khu vực lân cận Tp.HCM, Long An có tính kết nối chặt chẽ với Tp.HCM. Trong đó, Đức Hoà, Bến Lức là những khu vực phát triển bất động sản rất tốt. Khi các ông lớn xuất hiện đảm bảo khu vực này sẽ hình thành nên các khu đô thị, thu hút người mua đổ về. “Khi chọn bất động sản ở khu vực nào đó, người mua cần xem xét “lá chắn” ở khu vực đó là gì. Việc xuất hiện các ông lớn là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân nhìn về dài hạn”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, Long An hiện nay kéo được các ông lớn đổ về là do được bổ trợ về hạ tầng và sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp kéo theo sự phát triển của bất động sản nhà ở. Những tín hiệu về giao dịch cũng như dự án gần đây đang tạo nên bức tranh đa màu sắc cho thị trường bất động sản nơi đây.
Báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn chỉ ra, nhu cầu tìm kiếm nhà đất Long An đang có diễn biến tích cực với nhiều loại hình có lượt quan tâm tăng trưởng tốt. Cụ thể, lượt tìm mua căn hộ chung cư, đất nền tăng lần lượt là 13% và 10%; biệt thự nhà phố có nhu cầu mua tăng 3%; nhu cầu tìm mua nhà riêng tăng 6% và kho xưởng rao bán tăng gần 9% so với tháng trước đó.
Cũng theo báo cáo này, Đức Hòa và Bến Lức đang là hai thị trường được các nhà đầu tư bất động sản tại Long An quan tâm nhiều nhất với mức tăng trưởng lần lượt là 12% và 15% trong lượt tìm kiếm bất động sản.
Dù vậy, nguồn cung bất động sản tại thị trường Long An vẫn còn khá hạn chế. Những dự án/khu vực được các “đại gia” ngắm nghía vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, xúc tiến đầu tư. Vì thế, theo các chuyên gia, bỏ tiền vào bất động sản Long An cần tầm nhìn 3-5 năm sẽ rất tốt.