Tài chính

Lo lắng, mất ngủ, loạt F0 điêu đứng vì không kịp "nhả hàng"

Sự kiện: Tỷ phú Trịnh Văn Quyết

Trong phiên giao dịch ngày 30/3, thị trường mất mốc 1.500 điểm ở 30 phút cuối phiên sáng khi nhiều mã bất động sản giảm sâu, đà tăng của nhóm ngân hàng bị thu hẹp, còn các mã nhóm FLC tiếp tục "trắng bảng bên mua".

Lo lắng, mất ngủ, loạt F0 điêu đứng vì không kịp "nhả hàng" - 1

Nhà đầu tư F0 này tỏ ra lo lắng vì cổ phiếu FLC "nằm sàn", tiền trong tài khoản vơi đi mỗi ngày

Anh Phạm Thắng (28 tuổi) - một nhà đầu tư F0 ở Hà Nội cho biết, giữa tháng 2 anh đã mua 3.000 cổ phiếu FLC với giá 11.700 đồng/cổ phiếu và nuôi hy vọng mọi việc sẽ ổn nên anh duy trì khi chứng kiến thị trường nhiều phiên tăng trần. Song, bất ngờ ngày 28/3, trước một số tin đồn về vị chủ tịch, ngay trong sáng đó anh đã khớp lệnh bán tuy nhiên đến nay sau hai ngày anh vẫn chưa bán nổi.

“Tôi rất buồn và lo lắng. Dù được bạn đồng nghiệp cảnh báo với mã cổ phiếu này, nhưng tôi không ngờ diễn biến nhanh đến vậy, mỗi ngày đều thấy tiền trong tài khoản vơi đi nhanh chóng. Bây giờ chỉ mong bán được để thu vốn về mà trắng bên mua nên không thể bán được”, anh Thắng nói.

Một số nhà đầu tư khác dự báo là đáy lần này còn sâu hơn sau vụ bán chui hồi tháng 10/1 khá nhiều. “Gần đây thấy Tập đoàn FLC công bố sẽ đầu tư nhiều dự án lớn nên mới bỏ tiền mua cổ phiếu nhưng không ngờ lại bị "nhốt sàn" nhiều đến vậy. Tài khoản tôi đang lãi 27% mà sau mấy hôm lại trở về zero, mà tình trạng như hiện nay không biết khi nào thoát nổi” – anh Phan T. Tiến nói. 

Theo nhìn nhận của chị Nguyễn Thu Hòa, một nhà đầu tư khác ở Hà Nội, đợt này có kinh nghiệm và thông tin đầy đủ hơn nên nhà đầu tư bớt bị “lùa gà” so với thời điểm tháng 1/2021.

Trên các diễn đàn chứng khoán mấy ngày nay, nhiều nhà đầu tư cho biết đã cố đặt lệnh bán các cổ phiếu thuộc nhóm FLC từ tối 27-3, sau khi “hóng” các thông tin trên mạng nhưng chưa thể khớp lệnh, những người không đặt lệnh kịp đành "cắn răng" nhìn tiền đầu tư của mình "bốc hơi" từ 7%-10% vì trót đầu cơ nhóm này.

Có kinh nghiệm hơn một chút, tài khoản T.T.K. góp ý: “Mình không đầu tư theo đám đông, chỉ mua khi biết rõ gương mặt của sếp thôi ạ”.

Tuy nhiên, ở góc độ khác một số nhà đầu tư tỏ ra bình tĩnh hơn, không quá hoảng loạn và cho rằng, đây là tin tích cực, tin vui để làm trong sạch thị trường. Thông tin tiêu cực càng ra sớm, thị trường càng phản ánh sớm và sau đó ổn định nhanh hơn.

Lo lắng, mất ngủ, loạt F0 điêu đứng vì không kịp "nhả hàng" - 3

Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư phải tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra hướng xử lý

Có thể nói, hàng chục nghìn nhà đầu tư "ôm" cổ phiếu “họ FLC” điêu đứng trước những tin đồn này. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán liên tiếp có áp lực bán mạnh nhóm FLC (ROS, KLF, AMD). Lượng cổ phiếu nhóm này bán rất nhiều, nhà đầu tư bán bằng mọi giá, bán bằng giá sàn, giá ATC (giá đóng cửa), giá ATO (giá mở cửa).

Chứng kiến thị trường chao đảo, các chuyên gia và môi giới chứng khoán đưa ra lời khuyên, hoạt động ồ ạt bán ra không nên, bởi khi biết chắc là việc bán ra không có người mua, thì việc cố đặt lệnh bán ra càng khiến mọi việc tệ hơn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập FIDT, cho rằng, từ sự vụ này, tâm lý về đánh bạc, đầu cơ, đội lái sẽ giảm bớt và việc nắn dòng vốn đầu tư sẽ diễn ra rất rõ. “Có thể nói, nhóm cổ phiếu hưởng lợi là nhóm cổ phiếu làm ăn tốt, quy mô lớn, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và uy tín từ người lãnh đạo sẽ "hút hàng"” – ông Tuấn nói.

Một chuyên gia khác cho rằng đã có hàng loạt minh chứng được phơi bày cùng với những cảnh báo về mức độ rủi ro của nhóm cổ phiếu đầu cơ, trong đó có nhóm FLC sau đợt "nhốt sàn" hồi tháng 1. Tuy nhiên, trong cơn "say" thì tất cả lời khuyên đều trở nên vô nghĩa. Nhiều nhà đầu tư vẫn lao như thiêu thân vào nhóm cổ phiếu nóng với kỳ vọng mức giá "trên trời" dù nội tại doanh nghiệp yếu kém.

Theo vị chuyên gia này, trong khi cổ phiếu đang đà lao dốc, việc quan trọng nhất là nhà đầu tư phải tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra hướng xử lý. Khi có cơ hội, cần thoát khỏi cổ phiếu một cách nhanh nhất và tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp bình quân giá vì rất dễ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

UBCKNN cũng khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Chia sẻ
Theo Hồng Hương (Dân Việt)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm