Cụm từ này lần đầu được giới thiệu năm 1992 bởi y tá người Mỹ Carla Joinson, để mô tả trải nghiệm về thể chất, cảm xúc và tâm lý của các nhân viên y tế sau thời gian dài chăm sóc bệnh nhân.
Dấu hiệu rõ rệt của sự mệt mỏi trắc ẩn này bao gồm nhức đầu, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, không muốn đi làm và thiếu niềm vui trong cuộc sống.
Những năm gần đây, thuật ngữ "sự mệt mỏi trắc ẩn" được sử dụng để mô tả cảm giác khi chúng ta quá đồng cảm, dồn quá nhiều năng lượng cho nhu cầu của người khác mà bỏ quên chăm sóc chính bản thân mình hoặc cảm xúc của mình. Trong 24 giờ, một người vừa phải thỏa mãn yêu cầu công việc và trở thành một thành viên nhân ái của xã hội, sự đồng cảm và mong muốn giúp đỡ người khác có thể khiến bạn đôi khi kiệt sức.
Mệt mỏi trắc ẩn là gì?
Theo nhà trị liệu tâm lý Natalie Jones (California, Mỹ) giải thích, khi bạn dồn quá nhiều sự đồng cảm cho một ai đó hay một việc gì đó, bạn cố gắng để gánh vác, rồi trở thành kiệt sức. Bạn dễ dàng bị cuốn vào những tổn thương và căng thẳng của người khác và không thể lo lắng đầy đủ cho cuộc sống của chính mình. Điều tồi tệ nhất là cuối cùng, bạn tê liệt và buông xuôi.
Dấu hiệu, triệu chứng của mệt mỏi trắc ẩn là gì?
Các triệu chứng của mệt mỏi trắc ẩn có thể diễn ra theo nhiều cách, tác động đến tâm trí, thể chất và tinh thần. Theo tiến sĩ Jones, các dấu hiệu cơ bản bao gồm năng lượng thấp, khó tập trung hay quản lý tâm trạng riêng, ích kỷ khi làm việc cho bản thân, trở nên cáu kỉnh, mong muốn tách rời khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, khó ngủ, khó cân bằng công việc và cuộc sống riêng...
Mệt mỏi trắc ẩn là một dạng kiệt sức. Theo Viện nghiên cứu về stress Mỹ (AIS), trạng thái này là một dạng chấn thương thứ cấp, được định nghĩa là dư lượng cảm xúc hoặc căng thẳng khi làm việc với những người phải chịu hậu quả của các sự kiện đau buồn.
Làm thế nào để chống lại mệt mỏi trắc ẩn?
Tiến sĩ Jones nói, cách tốt nhất là lưu tâm đến năng lượng, không gian riêng của chính mình. Chìa khóa quan trọng là thiết lập ranh giới giữa bản thân với bạn bè, gia đình, công việc cũng như các phương tiện truyền thông xã hội. Tiến sĩ khuyên bạn nên gặp gỡ một nhà trị liệu, tìm kiếm những người bạn để chia sẻ với họ và vượt qua cảm giác tội lỗi khi không thể dành thời gian cho người khác.
Ngoài ra, bạn nên dành 15 phút mỗi ngày để viết nhật ký, đọc sách hoặc tham gia các hoạt động tập thể mà bạn thấy khiến bản thân thoải mái thay vì làm ai đó hài lòng.
Tiến sĩ Jones cũng khuyên bạn không nên ôm đồm quá nhiều công việc. Nên làm những gì mình phải làm, kết thúc nó ở thời điểm phù hợp để nghỉ ngơi. Cần học cách ủy thác nhiệm vụ cho người khác, thay vì một mình xử lý tất cả.
Ngoài ra, nên kiểm tra mối quan hệ của mình với bạn bè, gia đình. Chuyên gia phân tích: "Nên xem xét những người chỉ khiến bạn cạn kiệt năng lượng. Hãy cho phép bản thân tạo ra khoảng cách với mối quan hệ đó. Lần tới, nếu một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè yêu cầu bạn làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy kiệt sức, hãy nói: 'Tôi rất muốn giúp bạn, nhưng tôi không đủ năng lực để làm điều đó'. Bạn cũng có thể chủ động yêu cầu họ giúp đỡ bạn, để xem thái độ của họ thế nào".
Điều cuối cùng mà các chuyên gia khuyên bạn là nên hạn chế sử dụng mạng xã hội. Cần giới hạn thời gian và lượng tin tức bạn lướt mỗi ngày chỉ trong khoảng 15 phút, thay vì để nó cuốn đi.
Sự mệt mỏi trắc ẩn là điều hầu hết mọi người đều sẽ trải qua. Tuy nhiên, tiến sĩ Jones nói: "Bạn phải nhớ rằng bạn không thể rót nước từ một chiếc cốc rỗng. Cần chăm sóc bản thân trước khi có thể đối xử tốt với bất cứ ai".
(Theo Yahoo Life)