Khoa học

Lỗ đen bất ngờ "ợ hơi" sau nhiều năm "ăn" một ngôi sao

Lỗ đen bất ngờ ợ hơi sau nhiều năm ăn một ngôi sao - Ảnh 1.

Hình minh họa lỗ đen "ăn" một ngôi sao - Ảnh: DESY

Lỗ đen là một thiên thể nổi tiếng hung hãn, nuốt chửng mọi thứ ở quá gần, bao gồm cả ánh sáng.

Khi một ngôi sao xấu số lọt vào "thực đơn" của lỗ đen, các lực hấp dẫn cường độ cao sẽ phân mảnh chúng ra thành những sợi dài như sợi mì spaghetti. Sự kiện này được gọi là "sự hình thành spaghettification" hay chính thức hơn là sự gián đoạn thủy triều (TDE).

"Bữa tiệc" của lỗ đen tạo ra các tín hiệu rõ ràng về ánh sáng, sóng vô tuyến và các sóng khác mà các nhà thiên văn có thể phát hiện ra như những vụ nổ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.

Thro trang tin New Atlas, vào tháng 10-2018, các nhà thiên văn học đã phát hiện và nghiên cứu một TDE được gọi là AT2018hyz.

Sự việc diễn ra có vẻ bình thường: một ngôi sao chỉ bằng 1/10 khối lượng Mặt trời, đang bị một lỗ đen cách chúng ta khoảng 665 triệu năm ánh sáng nuốt chửng. Màn trình diễn ánh sáng mờ dần trong một vài tháng, và sau đó các nhà thiên văn học không thực sự suy nghĩ nhiều về hiện tượng này.

Đến tháng 6-2021, các nhà thiên văn phát hiện lỗ đen này đột ngột phát xạ. Nhiều luồng ánh sáng từ thiên thể bị cắt nhỏ bị bắn ra từ lỗ đen.

Bình thường, những hiện tượng này sẽ xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi lỗ đen ăn xong một ngôi sao. Không phải vài năm sau đó, lỗ đen mới "ợ hơi" ra như vậy.

Bà Yvette Cendes, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý Thiên văn, cho biết: "Điều này khiến chúng tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Chưa từng có ai nhìn thấy điều gì như thế này trước đây. Cứ như thể lỗ đen này bắt đầu đột ngột đào thải ra một đống vật chất từ ​​ngôi sao mà nó đã ăn nhiều năm trước".

Nhóm nghiên cứu đã tính toán rằng những vệt sáng do lỗ đen "ợ" ra di chuyển với tốc độ khoảng một nửa tốc độ ánh sáng, nhanh hơn khoảng 5 lần so với hầu hết các luồng TDE.

Cho đến nay các nhà thiên văn học vẫn chưa thể giải thích: Tại sao phải mất quá nhiều thời gian để những tín hiệu ánh sáng này mới xuất hiện?

Tuy nhiên, khi nghiên cứu thói quen "kiếm ăn" của các lỗ đen, các nhà thiên văn đã phát hiện ra một số điểm bất thường không ngờ trong quá khứ.

Có lỗ đen đã "rình mò" hơn 10 năm để "ăn" cho bằng được một ngôi sao. Trong khi các lỗ đen khác chỉ "tợp" mỗi khi có ngôi sao bay qua, tạo ra các tia chớp lặp lại như kim đồng hồ.

Ông Edo Berger, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến ​​sự chậm trễ lâu như vậy giữa việc ăn và "ợ hơi" ra ngoài.

Bước tiếp theo của các nhà thiên văn là tiếp tục  khám phá xem, liệu sự kiện như thế này có thực sự xảy ra thường xuyên hay không?

Lỗ đen hay hố đen (black hole), là một vùng không gian và thời gian có trường hấp dẫn mạnh đến mức không hạt vật chất hay cả bức xạ điện từ như ánh sáng có thể thoát khỏi nó khi lại gần.

Xung quanh lỗ đen là "chân trời sự kiện" được xác định bởi phương trình toán học. Tại đó khi vật chất vượt qua nó sẽ không thể thoát ra ngoài lỗ đen được

Lỗ đen gọi là "đen" bởi vì nó hấp thụ mọi bức xạ và vật chất bị hút qua nó. Giống như một vật đen tuyệt đối trong nhiệt động lực học.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm