Sáng 24/4, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch tăng vốn điều lệ, phân phối lợi nhuận, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và một số nội dung khác.
Tính đến 8h40, ban kiểm tra tư các cổ đông cho biết có 18 cổ đông dự họp đại hội đại diện cho hơn 347 triệu cổ phần, tương đương 82,78% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Hương, Tổng Giám đốc PGBank, cho biết tính đến 31/12/2024, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 66.685 tỷ đồng, hoàn thành 118% kế hoạch, tăng 33,9% so với năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 41.533 tỷ đồng, đạt 99,4% room tín dụng được cấp, hoàn thành 103% kế hoạch đặt ra.

ĐHĐCĐ thường niên PGBank 2025. (Ảnh: H.A).
Trong năm 2025, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khá tham vọng đạt 1.001 tỷ đồng, tăng 135,3% so với năm 2024. Đây là ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong năm 2025 tính đến thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, mục tiêu hết 2025, tổng tài sản ngân hàng đạt 91.226 tỷ đồng, tăng 24,9% trong đó dư nợ tín dụng đạt 48.653 tỷ đồng tăng trưởng 17,1% so với cuối 2024. Tổng huy động đạt 78.449 tỷ đồng tăng 17,6% so với cuối năm 2024, trong đó huy động vốn thị trường 1 đạt 51.649 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2%.

Với mảng dịch vụ Ngân hàng bán lẻ, PGBank đặt mục tiêu dư nợ tăng 17,9% so với năm 2024 lên mức 20.917 tỷ đồng, huy động đạt 36.212 tỷ đồng, tăng 19,6% so với 2024.
Ở mảng Khách hàng doanh nghiệp, PGBank đặt mục tiêu dư nợ tăng 16,6% lên 27.736 tỷ đồng, huy động tăng 18,3% lên mức 15.473 tỷ đồng năm 2025. Kiểm soát nợ xấu dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản nợ lớn, tồn đọng lâu năm, tổng thu dự kiến là 1.445 tỷ đồng.
Chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu
Về phương án tăng vốn điều lệ, PGBank đặt mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ trong năm 2025 bằng việc thực hiện hai phương án tăng vốn năm 2024 và năm 2025.
Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện nốt cấu phần tăng vốn thêm 800 tỷ đồng (chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu) theo kế hoạch đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm trước. Sau khi thực hiện phương án này vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 4.200 tỷ lên 5.000 tỷ.
Cùng với đó, Ban lãnh đạo PGBank tiếp tục trình cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (từ 5.000 tỷ lên 10.000 tỷ) trong năm 2025 thông qua việc phát hành thêm 500 triệu cổ phiếu qua hai phương án.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% và 450 triệu cổ phiếu phát hành ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ chào bán 9/11 với giá bán là 10.000 đồng/cp.
Theo ban lãnh đạo PGBank, việc phát hành tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng trong năm 2025 nhằm đạt mục tiêu thực hiện tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng năm 2025 lên tối thiểu 20.000 tỷ đồng năm 2030.
PGBank cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 tìm kiếm, lựa chọn và hợp tác với cổ đông chiến lược nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, mở rộng tệp khách hàng, mạng lưới quan hệ và thị trường, gia tăng giá trị và thương hiệu PGBank trên thị trường quốc tế.

Ban lãnh đạo PGBank. (Ảnh: H.A).
Một nhân sự từ Tập đoàn Thành Công rút khỏi đề cử vào HĐQT
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, PGBank cũng trình đại hội bầu HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030. Theo dự kiến, số lượng thành viên Hội đồng quản trị 6 thành viên trong đó có 2 thành viên độc lập và 5 thành viên ban kiểm soát. Tuy nhiên, tại đại hội lần này danh sách ứng viên HĐQT chỉ gồm 5 thành viên và ban kiểm soát có 4 thành viên.
Nguyên nhân theo PGBank lý giải là ngày 31/3, PGBank đã nhận đủ hồ sơ đề cử nhân sự làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 song ngày 22/4, nhân sự dự kiến cho vị trí thành viên độc lập HĐQT và một nhân sự dự kiến cho vị trí thành viên ban kiểm soát đã rút hồ sơ vì lý do cá nhân.
Vì vậy, tại đại hội lần này, PGBank trình ĐHĐCD thông qua danh sách 5 thành viên Hội đồng quản trị là: Bà Cao Thị Thuý Nga, ông Nguyễn Văn Hương, ông Vương Phúc Chính, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Nguyễn Văn Tý – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập còn ông Vũ Tuấn Anh được rút khỏi danh sách.
STT | Họ và tên ứng viên | Chức danh dự kiến |
1 | Bà Cao Thị Thuý Nga | Thành viên HĐQT |
2 | Ông Nguyễn Văn Hương | Thành viên HĐQT |
3 | Ông Vương Phúc Chính | Thành viên HĐQT |
4 | Ông Đinh Thành Nghiệp | Thành viên HĐQT |
5 | Ông Nguyễn Văn Tý | Thành viên HĐQT độc lập |
Danh sách ứng viên vào HĐQT PGBank.
Đáng chú ý, trong danh sách này có tên của ba thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính và bà Cao Thị Thuý Nga nhưng lại không có tên của ông Phạm Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT và ông Đào Phong Trúc Đại, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Hai cái tên mới xuất hiện là ông Nguyễn Văn Tý, (liên quan đến Tập đoàn Thành Công) và ông Nguyễn Văn Hương (hiện là Tổng Giám đốc PGBank). ÔngVũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ và Hạ tầng Thành Công đã rút khỏi danh sách ứng viên bầu HĐQT PGBank nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc PGBank nhiệm kỳ 2024 - 2027 kể từ ngày 7/12/2024. Trước đó, vị trí Tổng Giám đốc PGBank do bà Đinh Thị Huyền Thanh đảm nhiệm. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2024, bà Huyền Thanh đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT của PGBank vì lý do cá nhân.
Vị trí Tổng Giám đốc của PGBank được để trống từ tháng 4/2024, sau khi bà Đinh Thị Huyền Thanh nộp đơn từ nhiệm. Đến ngày 23/9/2024, ông Nguyễn Văn Hương được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc PGBank.
Theo sơ yếu lý lịch mà PGBank công bố, ông Nguyễn Văn Tý (SN 1957) gia nhập TC Group kể từ tháng 12/2007 với vị trí Chuyên viên Ban Đầu tư. Ngoài ra, ông Tý còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mai Động; Trưởng Ban kiểm soát tại CTCP Đầu tư PV-INconess - một thành viên của TC Group.
Đối với ban kiểm soát, PGBank trình danh sách gồm 4 thành viên: Ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Đinh Thuỵ Trâm và bà Hạ Hồng Mai. Trong đó, ba ‘gương mặt’ cũ là ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai, bổ sung thêm bà Đinh Thuỵ Trâm, Phó Trưởng Kiểm toán nội bộ của PGBank.
Lợi nhuận trước thuế quý I đạt gần 96 tỷ đồng
Trước đó, PGBank cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Cụ thể, tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 74.890 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ (58.763 tỷ đồng), và tăng 2,5% so với cuối năm 2024 (73.015 tỷ đồng). Huy động vốn thị trường 1 đạt 46.717 tỷ đồng, tăng 25 % so với cùng kỳ (37.244 tỷ đồng), trong khi dư nợ tín dụng đạt 45.347 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ (35.186 tỷ đồng).
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng trưởng 34,4%, đạt 505,7 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 242,5 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý I đạt 95,9 tỷ đồng, hoàn thành 13,4% kế hoạch tạm giao năm nay. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,09%, tiếp tục duy trì ở ngưỡng an toàn.
THẢO LUẬN
(Tiếp tục cập nhật).