Chiều nay (27/6), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2023. Tính đến 15 giờ 53 phút, số cổ đông tham dự đại hội chưa đủ 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Ban tổ chức mong muốn đại hội chờ thêm để đủ điều kiện tiến hành.
MC đại hội trước đó nhiều lần thông báo, do số lượng cổ đông đến tham dự đại hội quá đông so với dự kiến nên thời gian làm thủ tục kiểm tra tư cách cổ đông kéo dài hơn dự kiến. Theo kế hoạch ban đầu, đại hội sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ.
Cập nhật đến 16 giờ 22 phút, đại hội đã đủ điều kiện tiến hành với sự tham dự của 608 cổ đông (trực tiếp tham dự và ủy quyền), chiếm 50,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Công bố liên danh gói thầu 35.000 tỷ đồng, chiến lược 2024-2026
Đại diện Coteccons và Central tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Hòa Bình (HBC). (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch HĐQT HBC chia sẻ, ngày hôm nay đáng ra là sự kiện quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2023 nhưng rất tiếc không đủ điều kiện tiến hành, có lẽ phải tổ chức đại hội lần 2. HBC đã sẵn sàng cho kế hoạch tái cấu trúc toàn diện.
"Đại hội hôm nay có sự tham dự của đại diện các đối tác là liên danh Hoa Lư tham gia gói thầu dự án trọng điểm quốc gia sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng cùng Hòa Bình, bao gồm: Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons; ông Trần Quang Tuấn, Chủ tịch Central; ông Nguyễn Khắc Đồng, TGĐ An Phong", ông Hiếu giới thiệu.
Ông Hiếu cho biết chiến lược kinh doanh giai đoạn 2024-2026, HBC đặt mục tiêu tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu giảm về 1, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026. Trong năm 2024, lãi gộp tăng 6% và lãi ròng tăng 2%. Năm 2026, lãi gộp tăng 9% và lãi ròng tăng 4%.
Tăng kế hoạch doanh thu 2023 thêm 5.000 tỷ
HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã điều chỉnh so với thông tin công bố trước đó. Cụ thể, tổng doanh thu tăng thêm 5.000 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế kế hoạch tăng thêm 25 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng.
Chỉ tiêu trúng thầu trong năm nay đạt 17.000 tỷ đồng, bao gồm 9.000 tỷ đồng trúng thầu dân dụng và 8.000 tỷ đồng trúng thầu công nghiệp và hạ tầng.
Trong năm 2022, HBC đạt 14.149 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện 80,85% kế hoạch, tăng 24,59% so với cùng kỳ và lỗ ròng 2.594 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này chưa được kiểm toán. Do hoạt động kinh doanh ghi nhận lỗ nên công ty không chia cổ tức năm 2022, không phát hành cổ phiếu và quyền mua cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên.
'Có doanh nghiệp chấp nhận bỏ thầu thấp hơn giá vốn để có việc làm'
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, chia sẻ: “Trước tiên, tôi xin thay mặt HĐQT chân thành cảm ơn quý cổ đông, khách mời, đối tác,… đã đến tham dự đại hội đồng cổ đông. Chúng tôi rất tiếc đến giờ này tỷ lệ tham dự chưa đủ 50% theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chúng tôi rất mong tất các quý vị thông cảm. Nhân dịp gặp mặt hôm nay, tôi xin chia sẻ thông điệp đến cổ đông. 2022 và 2023 có thể nói là thời kỳ khó khăn nhất trong suốt 35 năm của Hòa Bình. Riêng 5 năm gần đây là thời kỳ có nhiều biến cố bất lợi đối với ngành xây dựng.
Từ năm 2017, ngành xây dựng Việt Nam đã gặp những khó khăn do có rất ít dự án được cấp phép xây dựng, trong khi nguồn lực trong ngành xây dựng tăng liên tục. Việc mất cân đối cung - cầu đã gây ra bất lợi rất lời cho các nhà thầu. Chưa bao giờ ngành xây dựng cạnh tranh khốc liệt như vậy. Có doanh nghiệp chấp nhận bỏ thầu thấp hơn giá vốn để có việc làm.
Dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế và doanh nghiệp, doanh thu của HBC giảm đến 40%. Hệ quả của dịch còn làm biến động giá vật liệu, cuốn đi phần lợi nhuận ít ỏi còn lại của doanh nghiệp ngành xây dựng.
Đầu năm 2022 lại xảy ra tranh chấp ở Đông Âu, toàn bộ nền kinh tế thế giới bioj ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chủ đầu tư bất động sản du lịch gặp khó khăn do không có nguồn khách quốc tế.
Những biến động nói trên khiến doanh nghiệp xây dựng khó khăn hơn, đặc biệt ở HBC. Lần đầu tiên HBC ghi nhận lợi nhuận âm trong năm 2022, phần trích lập các khoản phải thu khó đòi lên đến 2.059 tỷ đồng.
Với vai trò người đứng đầu, tôi xin nhận trách nhiệm này khi chưa xứng đáng với niềm tin, mong mỏi của cổ đông và đã để xảy ra một số sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của ban lãnh đạo và công ty.
Tuy vậy, tôi không hổ thẹn trước một ai. Tôi đã cố gắng hết sức những gì có thể làm được. Quyết định của tôi khi đưa ra đều ưu tiên đảm bảo lợi ích của cổ đông. Rất mong cổ đông có thể cảm thông với những khó khăn đã qua và kết quả kinh doanh này”.
Có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành riêng lẻ
HĐQT trình phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp trong năm nay, tương ứng với số vốn tối thiểu có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.
Công ty sẽ dùng số tiền này bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với các đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất) với tổng giá trị 1.050 tỷ đồng, thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.
Theo thông tin từ ông Lê Văn Nam, Tổng Giám đốc HBC, hiện có 4 đối tác quan tâm đến đợt phát hành của HBC và đã tiến hành ký MoU. Trong đó, có một đối tác đến từ Astralia sẵn sàng chi 60-100 triệu USD để mua cổ phiếu HBC.
Ông Lê Văn Nam cho biết thêm, bên cạnh huy động vốn để giải quyết vấn đề với nhà cung cấp, nhà thầu phụ, công ty sẽ tập trung công tác thu hồi công nợ, tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng và có kế hoạch thoái vốn ở những công ty hoạt động không hiệu quả.
Vào giữa tháng 6, HĐQT HBC đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho HBC.
“Tái cấu trúc toàn diện HBC lúc này là một việc hết sức cấp bách và cần thiết. Hành trình lột xác sẽ bắt đầu tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng để giúp tập đoàn vượt qua cơn bão dữ và trở lại vị thế số 1 của ngành xây dựng Việt Nam trong thời gian tới”, Tổng Giám đốc HBC nói.
Bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT
Về cơ cấu nhân sự, đại hội sẽ tiến hành miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT, bao gồm: Ông Nguyễn Công Phú, ông Albert Antoine, ông David Martin Ruiz, ông Lê Quốc Duy và ông Dương Văn Hùng. Đồng thời, đại hội bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024, trong đó có 2 thành viên không điều hành.
Theo dự thảo tờ trình được HBC công bố trên website công ty vào ngày 17/6, hai ứng viên được đề cử gồm ông Lê Văn Nam - Tổng Giám đốc HBC và ông Mai Hữu Thung - Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thành Ngân đồng, Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Tư vấn Xây dựng Điện 1 (Mã: TV1).
Đến ngày 22/6, website HBC cập nhật thay đổi danh sách đề cử ứng viên thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2024. Cụ thể, nhóm cổ đông sở hữu 5,38% vốn tại HBC đề cử bà Vũ Thị Hòa. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC đề cử bà Nguyễn Thị Lượt sau khi một ứng viên do ông Hải đề cử trước đó là ông Mai Hữu Thung xin rút khỏi danh sách ứng cử viên.
Tuy nhiên, dự thảo tại đại hội hôm nay tiếp tục điều chỉnh tăng số lượng nhân sự vào HĐQT từ 2 lên 3 người, bao gồm: Ông Lê Văn Nam - Tổng Giám đốc HBC, bà Nguyễn Thị Lượt và bà Vũ Thị Hòa - Thành viên HĐQT độc lập.
Phiên thảo luận: Có 16 cổ đông đặt 28 câu hỏi
Cổ đông: Báo cáo kiểm toán 2022 khi nào phát hành? Cổ phiếu HBC khi nào giao dịch bình thường trở lại?
Ông Lê Viết Hiếu: Đơn vị kiểm toán đang tức tốc hoàn thành kiểm tra hồ sơ, dự kiến 30/6 sẽ có báo cáo kiểm toán. Có một số lý do dẫn đến việc trễ công bố báo cáo kiểm toán. Trong đó, có đơn trình báo của một vài thành viên HĐQT lên UBCKNN nên HBC bổ sung hồ sơ giải trình, đơn vị kiểm toán phải nâng lên vùng chứ không phải vn. Đến nay đã có đủ hồ sơ giải trình.
Năm nay đặc biệt khó khăn của ngành bất động sản, đơn vị kiểm toán có nhiều thận trọng trong việc đánh giá năng lực thanh toán của các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư HBC đã có đơn kiện.
Tổng nợ gốc HBC gửi đơn kiện 680 tỷ đồng, trong khi đó nợ được công nhận từ thi hành án hơn 1.000 tỷ đồng, HBC đã thu hồi được hơn 500 tỷ đồng.
Có những quan điểm khác nhau giữa đơn vị kiểm toán và ban lãnh đạo tập đoàn. HBC phải chứng minh để không phải trích lập quá nhiều.
Theo quy định của UBCKNN, sau 6 tháng bắt đầu hạn chế, cổ phiếu HBC sẽ giao dịch trở lại.
Cổ đông: Liên danh Hoa Lư tự tin bao nhiêu sẽ trúng thầu gói thầu sân bay Long Thành?
Ông Lê Viết Hiếu: Thật sự không biết trả lời câu hỏi này như thế nào nhưng với sự quyết tâm và năng lực của các đối tác, HBC tự tin sẽ trúng thầu.
Cổ đông: Vì sao lợi nhuận 2022 âm trên 2.500 tỷ đồng?
Ông Lê Viết Hiếu: Trong phần lỗ hơn 2.500 tỷ, công ty trích lập dự phòng khoảng 2.000 tỷ đồng; lỗ từ hoạt động kinh doanh, chi phí khoảng 500 tỷ đồng.
Chi phí nặng do ảnh hưởng giá cả vật liệu tăng; một số dự án dừng thi công nhưng công ty vẫn duy trì chi phí (chi phí lương nhân viên,…).
Về chính sách về lãi suất vay, Fed tăng lãi suất rất nhiều lần trong năm qua, lãi suất huy động trong nước cũng tăng tương ứng, chi phí lãi vay của HBC tăng cao và như tôi đã trình bày, tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu về ngưỡng an toàn trong thời gian tới.
Cổ đông: Tại sao BCTC các năm trước cho thấy đất ở quận 12 là tài sản của công ty nhưng đến năm 2022 mới công bố nghị quyết HĐQT? Thông điệp của Chủ tịch nói về sự hi sinh, chi tiết hơn về thông điệp này?
Ông Lê Viết Hải: Tôi đã hành xử trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cao nhất cho cổ đông dù có khi hi sinh cả quyền lợi cá nhân mình.
Tôi xin chia sẻ 3 ví dụ. Thứ nhất, giao dịch cá nhân với công ty trong việc chuyển nhượng khu đất 7.000 m2 ở đường Phan Văn Hớn, quận 12 với giá 120 tỷ đồng. Năm 2020, tôi đã có thông báo cho HĐQT về giao dịch này để giảm nợ cá nhân đối với công ty. Khoản tạm ứng của tôi cho công ty lên đến 120 tỷ tại thời điểm đó.
Tôi có miếng đất cho công ty sử dụng không phải là đất trống mặc dù trên hồ sơ giấy tờ để là đất nông nghiệp. Thực tế, khu đất này đã được xây dựng làm nhà kho, văn phòng cho các công ty con từ 1993 đến nay. Đó là tài sản cá nhân, chưa đưa vào góp vốn cho công ty. Suốt 30 năm tôi chưa lấy một đồng tiền cho thuê nào. Nếu tính tiền cho thuê đó và chi phí cơ hội khác thì phải gấp nhiều lần so với 120 tỷ đồng. Hiện nay giao dịch đất nền ở khu vực này cũng 60 triệu đồng/m2, tính ra giá trị khu đất khoảng 400 tỷ đồng.
Thứ hai, đầu năm 2022, cổ phiếu HBC đạt đỉnh 22.000 đồng, chúng tôi đã thỏa thuận được với đối tác Nhật Bản với giá 32.500 đồng/cp. Sau đó theo quy định có 4 ngành nghề tại HBC mà nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia. Phía đối tác đề nghị thay vì phát hành cổ phiếu mới thì lấy cổ phiếu của Chủ tịch. Tôi đã từ chối lời đề nghị đó, mặc dù giá cổ phiếu HBC trên sàn lúc đó chỉ còn 17.000-18.000 đồng/cp.
Sau đó phía đối tác đề nghị để đảm bảo giao dịch này phải có 5 triệu cổ phiếu của cá nhân tôi phong tỏa tại SSI. Tôi phải tạm ứng 100 tỷ đồng để đạt 5 triệu cổ phiếu đó.
Thứ ba, cổ phiếu của cá nhân tôi cũng đã thế chấp ở ngân hàng để HBC phát hành trái phiếu để giải quyết vấn đề dòng tiền của công ty lúc khó khăn, khi nhiều dự án, đặc biệt là dự án nghỉ dưỡng hoãn tiến độ, các chủ đầu tư chậm thanh toán cho HBC.
Cổ đông: Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận HBC được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế ổn định. Trong tình huống xấu nhất, kịch bản HBC dự báo là gì?
Ông Lê Văn Nam:
Tiếp tục cập nhật...