
Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng nay (ngày 8/4) tại TP HCM. Đại hội có 588 cổ đông dự họp, đại diện sở hữu 4,47 triệu cp, tương đương 60,27% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo đánh giá của HĐQT, có thể nói kinh tế Việt Nam năm 2024 có sức chống chịu mạnh mẽ. Lĩnh vực ngân hàng cũng có dấu ấn thành công khi tín dụng cho nền kinh tế tăng khoảng 15,08% so với cuối năm 2023 với lãi suất cho vay thấp hơn 0,44%; huy động vốn tăng 9,06% so với cuối năm 2023; tỷ giá hối đoái về cơ bản là ổn định; tốc độ lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức trung bình 3,63% so với mục tiêu 4%.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số địa phương bị thiên tai nặng nề, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn từ áp lực cạnh tranh hoặc lui khỏi thị trường hoặc tạm ngừng hoạt động, hệ thống ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ khách hàng vay, ACB tiếp tục tăng trưởng quy mô tổng tài sản và duy trì khả năng sinh lời.
Cụ thể, tiền gửi khách hàng đạt hơn 537.000 tỷ đồng, tăng 11,3%. Nếu tính luôn vốn huy động từ phát hành giấy tờ có giá thì tổng quy mô huy động đạt 639.000 tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi khách hàng cải thiện lên mức 23,3%, tăng 0,4 điểm % so với năm trước.
Cho vay khách hàng đạt 581.000 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cuối năm 2023, 9 năm liên tiếp vượt trên mức trung bình của ngành, đặc biệt là mảng tín dụng khách hàng doanh nghiệp tăng 25% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,49%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,7%.
Ngân hàng dự kiến chia cổ tức 2024 bằng tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%, tương đương khoảng 11.170 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, ngân hàng sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2025. Lợi nhuận còn lại sau khi chia cổ tức xấp xỉ 12.470 tỷ đồng và vốn điều lệ sẽ tăng lên 51.367 tỷ đồng.

Mục tiêu lãi 23.000 tỷ, phát hành 20.000 tỷ trái phiếu
Dự báo về năm 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn từ việc gia tăng rào cản thương mại và thuế quan...
Ngân hàng Nhà nước Việt Namdự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.Trong bối cảnh này, các chỉ tiêu tài chính tín dụng trong kế hoạch hoạt động năm 2025 mà HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông tiếp tục được xây dựng trên cơ sở điều kiện thị trường, cân bằng giữa mục tiêu tăng thị phần và kiểm soát chất lượng tài sản cũng như kiểm soát chi phí, đầu tư cho các dự án chiến lược, trọng tâm là chuyển đổi số và năng lực công nghệ thông tin để nâng cao năng lực cạnh tranh của ACB.
Mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với kết quả 2024.Tổng tài sản tăng 14% lên 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 14% lên 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16% lên 673.596 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (cuối năm 2024 là 1,49%).

Năm 2025 là khởi đầu của giai đoạn chiến lược 5 năm (2025 - 2030). Mục tiêu chủ yếu nhất của chiến lược này là duy trì khả năng sinh lời (ROE) tối thiểu 20% như trong 5 năm vừa qua và từng bước gia tăng khả năng này.
Các mảng hoạt động liên quan đến khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tiếp tục là các động lực tăng trưởng chính. Điểm mới của chiến lược là đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho Khối Khách hàng doanh nghiệp, Khối Thị trường tài chính và các công ty con để gia tăng kết quả hoạt động.
Ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp trong năm 2025.
Giữa tháng 3 vừa qua, HĐQT ACB đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 5 năm. Lãi suất sẽ được Tổng Giám đốc ACB quyết định dựa trên nhu cầu của thị trường. Mục đích phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Phiên thảo luận
Cổ đông Nguyễn Thành Nam: Tôi băn khoăn tại sao ACB chia cổ tức tiền mặt 10%?. Ngân hàng là ngành đặc thù, tăng trưởng chung với nền kinh tế. Nếu hcia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ này thì ước tính trong vòng 6 năm sẽ mất tương đương một ngân hàng ACB như ngày hôm nay. Tăng trưởng tổng tài sản mục tiêu là 14%, thấp hơn mục tiêu chung 16% của Ngân hàng Nhà nước. Nếu chia cổ tức tiền mặt thì không có nội lực để tăng quy mô tài sản. Kế hoạch năm nay đã lập sẵn, có thể vẫn chia cổ tức tiền mặt trong năm nay nhưng năm sau nên cân nhắc lại.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT: Trong suốt nhiều năm, có nhiều cổ đông kiến nghị ACB chia cổ tức bằng tiền mặt, đây là bài toán hài hòa lợi ích cho cổ đông. HĐQT cân nhắc rất nhiều yếu tố và tỷ lệ để tối ưu vốn của cổ đông trong trung – dài hạn chứ không chỉ ngắn hạn 6 tháng – 1 năm. Ý kiến của cổ đông chúng tôi sẽ ghi nhận và tiếp thu.
Cổ đông: KQKD quý I ra sao? Ban điều hành đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch trong bối cảnh thực tại? ACB chia sẻ nguyên nhân 2 năm gần đây đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá?
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc: Trong ba tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, GDP tăng gần 7%, kiểm soát được lạm phát tốt, các chỉ số khác cũng tốt. Tuy nhiên, tuần vừa rồi có những yếu tố ko tích cực xảy ra là thuế quan đối ứng từ Mỹ. ACB đã chuẩn bị cho bất kỳ biến động nào.
Ước tính trong quý I huy động vốn tăng trên 2%, nợ xấu đã có xu hướng giảm, riêng ACB giảm từ 1,39% về ở mức 1,34%, chưa tính tăng trưởng nợ xấu CIC. Lợi nhuận đang trong quá trình tính toán, dự kiến đạt khoảng 20% so với kế hoạch 23.000 tỷ cả năm (tương đương 4.600 tỷ). Đây mới là khởi đầu của một quý và còn chặng đường ba quý tiếp theo.
Chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, tổng cầu. Tại Việt Nam, tỷ giá, đầu tư nc ngoài, nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống.
Nói về khả năng hoàn thành kế hoạch, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 16 – 18%, trong đó tăng trưởng tín dụng cá nhân đã tăng trở lại, thị trường bất động sản phía Nam đã khởi sắc. Đồng thời, tín trưởng SME và doanh nghiệp lớn cũng tăng trở lại.
Cơ cấu huy động từ phát hành giấy tờ có giá tăng đáng kể cũng là một chiến thuật và đã rất thành công trong năm 2024 khi lãi suất huy động tăng, chúng tôi đã tăng huy động ở doanh nghiệp, phát hành… dẫn đến chi phí vốn giảm đáng kể và có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Cổ đông: Trong kịch bản vĩ mô thách thức, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng của ACB là bao nhiêu, động lực tăng trưởng cụ thể ở phân khúc nào, dự báo xu hướng lãi suất và chất lượng tài sản của ACB ở kịch bản này?
Ông Từ Tiến Phát: Kịch bản thách thức trước mắt là chính sách thuế quan của Mỹ. Tỷ giá, đầu tư nước ngoài như tôi vừa chia sẻ là các yếu tố có thể tác động. Ngay khi có thông tin này, chúng tôi đã rà soát tổng thể danh mục khách hàng của mình.
Tại ACB, danh mục khách hàng cá nhân chiếm trên 60%, SME khoảng 29%, còn lại là doanh nghiệp lớn. Đối với khách hàng doanh nghiệp lớn và FDI, chúng tôi chỉ mới phát triển vài năm gần đây, chúng tôi có nguyên tắc không tập trung vào một thị trường duy nhất và trao đổi với doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ. Hiện tại chưa có ảnh hưởng sâu sắc đến danh mục này.
Chúng tôi giữ nguyên kịch bản 16 - 18%. ACB có thế mạnh ở phân khúc khách hàng cá nhân và SME. Một mảng tiềm năng khác mà chúng tôi chỉ mới có 1% thị phần là doanh nghiệp lớn FDI, mảng này còn khoảng không gian phát triển rất lớn.
Lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ nhưng với nội lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ ổn định, không tăng đột biến nên sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ngân hàng.
Cổ đông: Việc tìm cổ đông chiến lược cho ACBS đã đến đâu?
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT: Thời gian rồi có tìm và làm việc nhưng chưa tìm được và chúng tôi đã ngưng deal này. Năm nay và năm sau tập trung hoàn thiện năng lực cạnh tranh của ACBS để cung cấp nhiều sản phẩm tài chính chất lượng.
Cổ đông: 2 năm gần đây ACB liên tục tăng trưởng tín dụng ở mảng doanh nghiệp, sự dịch chuyển này có dẫn đến rủi ro không? ACB có kế hoạch nào để tăng nhận diện cho giới trẻ không?
Ông Từ Tiến Phát: 2 năm gần đây ACB liên tục tăng trưởng tín dụng ở mảng doanh nghiệp lướn trên 80%. Đây là chiến lược chúng tôi đánh giá thành công. Sau dịch COVID-19, mảng khách cá nhân giảm rất nhiều. ACB là ngân hàng hàng đầu ở mảng cá nhân cũng bị ảnh hưởng nên chúng tôi đã mở rộng phát triển sang doanh nghiệp lớn. Hiện tại, chúng tôi chỉ có 1-2 khoản nợ xấu có sự cố liên quan đến hoạt động kinh doanh, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chiến lược này trong 5 năm tiếp theo.
Ông Trần Hùng Huy: Mỗi năm chúng tôi đều có làm khảo sát, chúng tôi tin tưởng có sức lan tỏa của ACB đến nhóm trọng tâm.