Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nếu lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu không đạt đỉnh trong vòng 3 năm tới và giảm gần một nửa vào năm 2030, thì thế giới có thể sẽ phải hứng chịu những tác động rất mạnh mẽ từ khí hậu cực đoan.
Theo bản báo cáo có tên "Biến đổi khí hậu 2022: Giảm nhẹ biến đổi khí hậu" được IPCC công bố ngày 4/4/2022, nếu hành động khẩn cấp không được thực hiện, nhân loại sẽ không thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, ngưỡng cho một tương lai nhiều hỏa hoạn, hạn hán, bão, và hơn thế nữa. Tuy nhiên, với mức tăng hiện nay, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có khả năng tạo ra sự nóng lên gấp đôi: Khoảng 3,2 độ C vào năm 2100.
Jim Skea, đồng chủ tịch của nhóm công tác IPCC đã đưa ra báo cáo, cho biết tại một cuộc họp báo: "Có thể là bây giờ hoặc không bao giờ, nếu chúng ta muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nếu không có các biện pháp giảm phát thải ngay lập tức và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực thì sẽ không thể thực hiện được".
Chủ tịch IPCC Hoesung Lee. Ảnh: UN
Khí nhà kính trong bầu khí quyển của Trái Đất đang ở mức cao nhất trong lịch sử loài người. Lượng phát thải của các loại khí này đã giảm mạnh vào năm 2020 do hậu quả của việc ngăn chặn đại dịch, nhưng vào năm 2021, chúng đã bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục vào năm 2019, khi chúng cao hơn khoảng 12% so với năm 2010 và cao hơn 54% so với năm 1990.
Tuy nhiên, Jim Skea lưu ý rằng "ngày càng có nhiều bằng chứng về hành động khí hậu". Tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2010 - 2019 chậm hơn so với thập kỷ trước; và các công nghệ và chính sách hiện đã tồn tại có thể cho phép giảm đáng kể lượng khí thải - nếu chính trị tồn tại để thực hiện chúng.
"Chúng ta đang ở ngã ba đường" - Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nói thêm tại cuộc họp. "Các quyết định mà chúng ta đưa ra bây giờ có thể đảm bảo một tương lai có thể sống được. Chúng ta có các công cụ và bí quyết cần thiết để hạn chế sự nóng lên".
Đó là những công cụ và bí quyết gì? Câu trả lời đến từ báo cáo mới nhất của IPCC, bao gồm:
Cuộc cách mạng năng lượng sạch đang trở nên rẻ hơn nhiều
Để có hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, việc sử dụng than phải được cắt giảm 95% trên toàn thế giới, trong khi tiêu thụ dầu và khí đốt phải giảm lần lượt 60% và 45% vào năm 2050.
May mắn thay, đối với nhiều người ở nhiều nơi, lắp đặt năng lượng sạch mới rẻ hơn vận hành năng lượng hóa thạch hiện có và thường rẻ hơn lắp đặt cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới.
Từ năm 2010 đến năm 2019, chi phí của cả pin năng lượng Mặt trời và pin lithium-ion đều giảm trung bình 85%, trong khi chi phí của năng lượng gió giảm 55%. Sự sụt giảm như vậy đã cho phép triển khai rộng rãi hơn những công nghệ đó.
Ví dụ, việc sử dụng xe điện đã tăng gấp 100 lần trong cùng một thập kỷ và năng lượng Mặt trời hiện đang phổ biến hơn 10 lần trên toàn thế giới, mặc dù những con số này rất khác nhau giữa các quốc gia và vùng này sang vùng khác.
Nhiều quốc gia hứa rồi... để đó!
Nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tỷ lệ phá rừng hoặc đẩy nhanh việc triển khai công nghệ năng lượng sạch. Những nước khác đã cam kết cắt giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris.
Tuy nhiên, mục tiêu của nhiều quốc gia không đủ tham vọng, trong khi các quốc gia khác đã hứa giảm lượng khí thải đáng kể nhưng không có dấu hiệu thực hiện các hành động cần thiết.
Thậm chí, ngày nay, không có quốc gia nào tiến gần đến việc chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó, tất cả các bằng chứng đều chỉ ra rằng nhân loại đang trải qua quá trình nóng lên toàn cầu nhanh chóng trong những thập kỷ tới.
Việc cắt giảm sâu và nhanh chóng lượng khí thải mêtan là rất quan trọng
Mặc dù tồn tại ngắn hơn và ít có trong khí quyển hơn so với carbon dioxide (CO2), nhưng mêtan (CH4) là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn nhiều; nó được dự báo sẽ chiếm 60% lượng phát thải khí nhà kính không phải CO2 vào giữa thế kỷ này.
Tuy nhiên, bởi vì nó ít bền hơn trong khí quyển, việc cắt giảm sâu lượng khí thải CH4 có thể làm giảm nhanh chóng tác động của nó đối với sự nóng lên toàn cầu.
Một trong những cách hiệu quả nhất để làm như vậy là nhắm vào lượng khí thải "khó đào thải" CH4 thoát vào khí quyển trong quá trình khai thác và vận chuyển khí tự nhiên, hoặc từ các giếng dầu bị bỏ hoang từ lâu.
Loại bỏ CO2 – cần lưu ý
Với tiến độ chậm chạp trong việc giảm lượng khí nhà kính phát ồ ạt vào bầu khí quyển, báo cáo IPCC lập luận rằng việc loại bỏ một số khí đã tồn tại ở đó là rất quan trọng trong thời gian tạm thời.
Ảnh: Getty Images
Một số ước tính cho rằng 10 gigatons CO2 sẽ cần phải được loại bỏ khỏi bầu khí quyển hàng năm vào giữa thế kỷ này. Tuy nhiên, một số phương pháp để làm điều này có khả năng có những nhược điểm tiềm ẩn lớn hơn những phương pháp khác.
Về điểm này, báo cáo IPCC lưu ý rằng một số nỗ lực loại bỏ carbon — chẳng hạn như trồng rừng (trồng rừng ở những nơi trước đây không có), và chuyển đổi đất sang trồng nhiên liệu sinh học, có thể có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và sinh kế địa phương, trong khi nuôi dưỡng đại dương - một loại kỹ thuật khí hậu dựa trên việc đưa các chất dinh dưỡng có mục đích vào thượng nguồn đại dương để tăng sản lượng thực phẩm biển và loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển - có thể gây ra những thay đổi hệ sinh thái và axit hóa ở các vùng nước sâu hơn.
Các đại dương sẽ tiếp tục lưu trữ nhiệt và trao đổi nó với khí quyển. Ngay cả khi lượng khí thải ngừng phát thải, nhiệt lượng dư thừa đã tích tụ trong đại dương từ thời tiền công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khí hậu trong hơn 100 năm nữa.
Báo cáo của IPCC kết luận rằng, để có 2/3 cơ hội giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C, các mô hình dự đoán rằng từ nay đến năm 2100, chúng ta sẽ cần loại bỏ từ 170 tỷ đến 900 tỷ tấn carbon dioxide ra khỏi khí quyển bằng cách sử dụng hai công nghệ này.
Công nghệ thứ nhất gọi là BECCS, khi đó CO2 từ các nhà máy điện được thu giữ tại ống khói và chôn dưới lòng đất - dẫn đến việc loại bỏ hoàn toàn CO2 khỏi khí quyển. Công nghệ thứ hai được gọi là DAC, máy hút CO2 ra khỏi không khí theo nghĩa đen bằng cách sử dụng một phản ứng hóa học.
Cả hai công nghệ đều có những hạn chế nghiêm trọng, vì chúng cực kỳ đắt.
Cấp bách nhưng không phải là không thể
John Kerry, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, gọi báo cáo của IPCC là "thời khắc quyết định đối với hành tinh của chúng ta". Tuy nhiên, ông nói thêm, "chúng ta có các công cụ cần thiết để đạt được mục tiêu của mình, cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, đạt mức 0 ròng vào năm 2050 và đảm bảo một hành tinh sạch hơn, khỏe mạnh hơn".
Bất chấp tính cấp thiết vốn có trong các kết luận của báo cáo IPCC, Alexander Barron - trợ lý giáo sư về chính sách và khoa học môi trường tại Đại học Smith ở Massachusetts (Mỹ) vẫn cảnh báo rằng, nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng trong năm 2025, thì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ thất bại.
Ông chỉ ra: "Chúng ta thực sự cần đẩy nhanh những gì chúng ta đang làm một cách quyết liệt trên mọi mặt trận, và khi chúng ta trì hoãn nó lâu hơn, thì chúng ta càng phải gánh chịu nhiều thiệt hại từ khí hậu cực đoan hơn".
Nguồn: Nationalgeographic, Space