Hôm nay, 21.4, trong lễ hưởng ứng ngày sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới 2025, sau khi một số câu chuyện đổi mới sáng tạo được kể, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo với một đất nước mà ngân sách dành cho khoa học và công nghệ còn rất thấp như Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH-CN: "Những nước đi sau buộc phải nhảy cóc về khoa học - công nghệ"
ẢNH: HẢI HÀ
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Mạnh Hùng, sở dĩ Liên Hiệp Quốc rất coi trọng cả sáng tạo và đổi mới là để tôn vinh cả người nghĩ ra ý tưởng (sáng tạo) và người hiện thực hóa nó (đổi mới) thành những thay đổi trong thực tế. Đồng thời, cũng để mở rộng khái niệm, để sáng tạo và đổi mới không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia.
Một đất nước như Việt Nam, vì đi sau mà buộc phải nhảy cóc về công nghệ. "Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương. Đổi mới sáng tạo cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-CN, chi cho khoa học và công nghệ của các nước đang phát triển thấp, nên cần lấy đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào khoa học và công nghệ hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển.
Đổi mới sáng tạo cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu phát triển từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm. Đổi mới sáng tạo không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. Đổi mới sáng tạo là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.
Chìa khóa mở ra cánh của tương lai
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech, nhờ có đổi mới sáng tạo mà một một doanh nghiệp cơ khí (thuần sản xuất) như CNCTech đã vươn ra được thị trường toàn cầu với nhân lực marketing ít ỏi.
Bộ phận marketing (hoạt động trên toàn cầu) của CNCTech chỉ có 5 người. Vì thế việc tổ chức phục vụ đồng thời rất nhiều đơn hàng (trong khi mỗi đơn hàng yêu cầu cung ứng số lượng hàng không lớn) là một bài toán đau đầu. Có tháng công ty tiếp nhận hơn 1.000 bản vẽ (các bản vẽ là những yêu cầu đặt hàng của khách - PV).
"Chúng tôi phải huy động các sáng kiến, áp dụng các mô hình quản lý thông minh nhằm tối ưu hóa vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm", ông Kiên cho biết.
Em Mai Thị Phượng, sinh viên năm thứ 3, Khoa CNTT, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cũng chia sẻ những nhận thức của mình về giá trị của đổi mới sáng tạo sau khi tham gia những hoạt động giao lưu với sinh viên các đại học quốc tế, hoặc qua những dự án sinh viên.

Sinh viên Mai Thị Phương tự tin những vấn đề lớn của đất nước sẽ có lời giải nếu chúng ta dám nghĩ dám làm
ẢNH: HẢI HÀ
Em nhận ra 3 điều cốt lõi: đổi mới bắt đầu từ một câu hỏi, sai lầm là dữ liệu để học hỏi, chia sẻ là cách sáng tạo bền vững nhất.
Phượng cho biết, em được tham gia dự án sáng tạo Skynet, một dự án sử dụng máy bay không người lái kết hợp công nghệ rada và AI nhằm hỗ trợ tìm kiếm người trong bão lũ. Dự án được giải nhất cuộc thi Tech4Good châu Á - Thái Bình Dương, và được dự vòng thi quốc tế 2025.
"Thành công của Skynet đã mang lại cho chúng em giá trị truyền cảm hứng, sự tự tin to lớn. Tin rằng người trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tỏa sáng, cạnh tranh trên sân chơi sáng tạo quốc tế. Tự tin những vấn đề lớn của đất nước sẽ có lời giải nếu chúng ta dám nghĩ dám làm. Tự tin tinh thần đổi mới sáng tạo là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai", Phượng cho biết.