Thực phẩm nhà làm bán buôn liệu có hợp vệ sinh? Người tiêu dùng cần làm gì để bảo đảm an toàn khi sử dụng?
Tù mù hạn dùng, mua bán bằng sự tin tưởng
"Thực phẩm nhà làm, bao ngon, bao rẻ", "Thực phẩm nhà làm - ngon, vệ sinh, không chất bảo quản, không phẩm màu", "Nhà làm nên yên tâm về chất lượng, giá cả"... đó là những lời quảng cáo để lấy lòng tin khách hàng khi rao bán khắp nơi, từ chợ đến các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Các loại thực phẩm này chủ yếu đã được chế biến sẵn như: đồ khô, giò, chả, thịt gà, lạp xưởng, xúc xích...
Điều đáng nói, ngoài những lời hứa hẹn "có cánh" là sản phẩm của nhà làm nhưng bao bì, nhãn mác, quy trình sản xuất, cách thức liên hệ, hạn sử dụng lại rất "tù mù" không được thông tin kỹ càng.
Không chỉ riêng việc rao bán online, tại các khu chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Bình Tây, chợ Phú Nhuận, chợ Bàn Cờ... các sản phẩm nhà làm không nhãn mác cũng được bày bán ở nhiều sạp khác nhau. Nhiều chủ sạp giới thiệu rằng các thực phẩm là đặc sản này được lấy từ nhiều vùng quê khác nhau nên yên tâm sử dụng.
Chị Minh Thi (33 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình chị hay mua các loại thực phẩm nhà làm được rao bán trên các hội nhóm của mạng xã hội.
"Các loại thực phẩm tôi mua chủ yếu là đồ ăn đã chế biến sẵn như cá kho, thịt kho, giò, lạp xưởng... Ban đầu khi chưa quen được nơi mua, chủ yếu dựa vào sự tin tưởng, hỏi ý kiến người đã từng mua, còn khi đã mua quen một người rồi thì hay mua chỗ đó.
Rất nhiều lần tôi mua phải những sản phẩm trên mạng quảng cáo bắt mắt nhưng khi nhận hàng về lại không như mong đợi, không dám sử dụng vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Đến lúc hỏi lại thì người bán lại trả lời vòng vèo rồi chặn liên lạc", chị Thi nói.
Nhiều sản phẩm nhà làm, bán online có địa chỉ ảo
Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết dù có giá thành rẻ nhưng người tiêu dùng và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào thực phẩm nhà làm.
Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm nhà làm được rao bán online, địa chỉ nhiều nơi thường là địa chỉ ảo, khó truy tìm. Vì vậy, số lượng mặt hàng, cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn so với ở bên ngoài. Từ đó, nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể lớn hơn.
Hiện Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đang quản lý hàng online như những mặt hàng bình thường, có nghĩa là có bộ phận theo dõi, kiểm soát và kiểm tra. Tuy nhiên, vẫn chưa có pháp lý cụ thể, đặc thù về vấn đề này.
PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết những năm gần đây ý thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm đã được nâng cao rất nhiều.
Người mua đã có chọn lọc rất kỹ, ý thức để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, do vậy họ hay mua ở những cửa hàng quen, người quen, có uy tín cao. Về phía người bán cũng đã ý thức được việc phải bảo vệ thương hiệu, chất lượng để làm ăn lâu dài.
Việc mua bán thực phẩm nhà làm phụ thuộc vào sự tự giác của mỗi bên.
PGS Thịnh cũng cho biết thêm, mặc dù vậy nhưng hiện nay vẫn có một số hộ kinh doanh gia đình vì mục đích lợi nhuận, cho quá nhiều các chất phụ gia bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Do những người bán này không hiểu hết được quy định khi sử dụng hóa chất và chất phụ gia, nên sử dụng quá liều lượng cho phép làm thực phẩm giòn và dai hơn.
Không an toàn khó truy trách nhiệm
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, việc lựa chọn mặt hàng để mua tùy vào người dân. Nên chọn các sản phẩm nhà làm có ghi rõ cơ sở sản xuất, giấy chứng nhận.
Trường hợp mua sản phẩm này ở những địa chỉ vô thưởng vô phạt với lời quảng cáo có cánh, sau đó tất cả thiệt thòi sẽ rơi vào người tiêu dùng.
Nếu người mua hàng không có hóa đơn thì khi xảy ra sự cố gì, khó truy trách nhiệm. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng trong vấn đề này.