Thời sự

Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Quýt làm, cam chịu!

Bỏ trốn , phá hợp đồng cam kết, ở lại cư trú bất hợp pháp của một số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đã kéo theo nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến tiến trình hợp tác lao động của Việt Nam với Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc nhiều lần lên tiếng, thậm chí phải quyết định tạm dừng tuyển chọn tại những địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao.

Làm khó người ở quê nhà

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có công văn gửi các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc phối hợp tuyển chọn người lao động (NLĐ) có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong ngành nông nghiệp (1.285 người) và ngư nghiệp (1.085 người).

 Lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc: Quýt làm, cam chịu!  - Ảnh 1.

Người lao động của Trung tâm Lao động ngoài nước chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc

Đây là cơ hội cho hàng ngàn lao động mong muốn sang Hàn Quốc làm việc sau thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cũng nêu tên trong danh sách những huyện/thành phố tạm ngưng đưa NLĐ sang Hàn Quốc. Cụ thể, sau khi làm việc với các địa phương bị tạm dừng gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa). Đây là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên, vi phạm cam kết với Chính phủ Hàn Quốc trong nỗ lực giảm thiểu lao động cư trú bất hợp pháp.

Anh Trần Võ Văn Đức (27 tuổi; huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đang tham gia học tiếng Hàn tại một trung tâm ở quận Tân Bình (TP HCM), cho biết hơn 1 năm nay anh nỗ lực học tiếng Hàn để kịp dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn vào tháng 8 tới nhưng khi hay tin huyện Cẩm Xuyên bị liệt vào danh sách tạm ngưng đưa NLĐ sang Hàn Quốc làm việc khiến mọi kế hoạch của anh đổ bể. "Năm ngoái quê tôi không có tên trong danh sách tạm ngưng nên hàng chục người đã đăng ký đi học tiếng. Năm nay bị liệt vào danh sách khiến chúng tôi buộc phải dừng. Những người bỏ trốn không nghĩ cho đồng hương, đất nước mình. Họ làm như vậy là đã hại chúng tôi rồi" - anh Đức bức xúc.

Còn chị Đặng Thị Nhiều (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cũng thấp thỏm không kém. Khi biết chương trình sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong 3 tháng với mức thu nhập khá, chị Nhiều đã đăng ký và chuẩn bị tinh thần chờ đến ngày lên đường nhưng việc 4 lao động đi đợt đầu tiên của tỉnh bỏ trốn khiến chị lo lắng. Quảng Bình năm nay không nằm trong danh sách tạm ngưng nhưng với chương trình làm việc thời vụ ngành nông nghiệp, việc hợp tác của tỉnh Quảng Bình với tỉnh Gyeongsangbuk có thể bị ảnh hưởng. "Họ làm mất hình ảnh của NLĐ tỉnh nhà và ảnh hưởng đến những người có nhu cầu như chúng tôi. Nếu phía Hàn Quốc họ ngưng không tiếp nhận nữa thì có phải những người bỏ trốn đã cướp đi cơ hội của hàng trăm người sao. Tôi nghĩ cần có biện pháp xử lý mạnh để ai cũng có cơ hội việc làm, có tiền, mở mang kiến thức" - chị Nhiều nói.

Tuyển chọn kỹ

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, cho biết sau khi có thông tin các trường hợp NLĐ bỏ trốn khỏi nơi làm việc, UBND tỉnh đã có công văn về việc triển khai các biện pháp xử lý NLĐ đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở tại TP Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) vi phạm hợp đồng. Đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng và các nước có giải pháp khi thực hiện thủ tục xuất cảnh cho thân nhân những lao động bỏ trốn. "Bài học rút ra cho chúng tôi sau sự việc này là phải tuyển chọn kỹ để tiến cử những lao động có phẩm chất đạo đức, nhân thân tốt, có kiến thức về nông nghiệp" - bà Lan nhấn mạnh.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trong hơn 2 năm dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, trở ngại trong phái cử lao động sang Hàn Quốc, nhưng Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ Việt Nam. Với những đợt ân hạn, gia hạn, tự động gia hạn hợp đồng lao động để NLĐ không bị liệt vào diện hết hạn mà không về nước là những việc làm cụ thể mà phía Hàn Quốc dành cho NLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay vẫn là nạn bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp và làm việc không có hợp đồng lao động của NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đang thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tỉ lệ NLĐ cư trú bất hợp pháp. Tại Việt Nam, trước khi xuất cảnh, NLĐ phải tiến hành ký quỹ là 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn. Phía Hàn Quốc cũng đẩy mạnh việc kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp.

"Tại các địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, thông tin cho gia đình vận động NLĐ khi hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn để có thể quay lại làm việc tốt hơn trước. Bên cạnh đó, NLĐ được hướng dẫn thêm nếu đủ khả năng, trình độ có thể chuyển sang visa E7 - lao động kỹ thuật cao. Thời gian tới, cục sẽ có đề xuất để Hàn Quốc không áp dụng chính sách tạm dừng với lao động Việt Nam" - ông Liêm cho hay.

Ràng buộc trách nhiệm

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Halim (tỉnh Quảng Bình), cho rằng nếu NLĐ khi sang Hàn Quốc được làm việc với môi trường, thu nhập tốt, được tăng ca nhiều thì tự lòng họ cũng chẳng có ý định trốn. "Để tránh hiện trạng NLĐ bỏ trốn, sau khi tuyển chọn kỹ, cơ quan chức năng cần ràng buộc với NLĐ về kinh tế, kể cả nhân thân, người bảo lãnh cho NLĐ ra nước ngoài làm việc. Chỉ khi liên quan ảnh hưởng đến yếu tố nhân thân, kinh tế thì NLĐ sẽ tự khắc chấp hành nghiêm hợp đồng đã ký" - ông Bình đề xuất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm