Doanh nghiệp

Lãnh đạo Thế Giới Di Động tiết lộ lý do đóng toàn bộ chuỗi Bluetronics ngay quý I sau 6 năm vào thị trường Campuchia

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) và cũng là người phụ trách hai chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) nhìn nhận đối với MWG, năm 2023 được đánh giá là năm không mấy khả quan, đặc biệt là hai quý đầu năm. 

Về hai chuỗi ĐMX và TGDĐ, ông nhận thấy dù thị trường khó khăn đặc biệt là kênh truyền thống nhưng vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội gia tăng thị phần.

4 động lực tăng trưởng trong năm nay của hai chuỗi này gồm: Tập trung cho sản phẩm của Apple, tạo ra thế mạnh về sản phẩm độc quyền, khai thác tối đa dịch vụ cộng thêm (như trả góp, thu chi hộ, bảo hiểm,...) và tiếp tục nỗ lực kiểm soát chi phí đặc biệt là tồn kho.

Ngoài ra, ông Hiểu Em chia sẻ doanh nghiệp đang nỗ lực tìm ra chính sách bán hàng tạo ra sự khác biệt so với thị trường, phù hợp với thời điểm hiện tại.

Đánh giá về sự sụt giảm mạnh doanh số hai chuỗi ở quý IV/2022, ông Hiểu Em cho biết chủ yếu đến từ thị trường khi nhu cầu bị co hẹp khi thu nhập bị giảm trong bối cảnh lạm phát leo thang và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Theo nhận định cá nhân ông, không chỉ của MWG mà các đơn vị phân phối trên toàn thị trường không đạt được mức tăng trưởng không như kỳ vọng trong quý IV và tháng Tết vừa qua. Vì vậy tồn kho ngoài thị trường khá lớn.

Với áp lực tồn kho ngoài thị trường lớn như vậy, thị trường cần phải xả hàng mạnh và có thể ảnh hưởng tới MWG buộc MWG phải theo thị trường để giữ doanh thu. Tuy nhiên, ông Hiểu Em nhấn mạnh MWG không vì giảm giá để xả hàng tồn mà MWG muốn giữ doanh thu. Vì vậy, việc này có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp của công ty song chỉ là tác động ngắn hạn trong quý I hoặc có thể kéo dài sang quý II.

Về tình hình tiêu thụ của sản phẩm Apple, ông cho biết đang đạt kỳ vọng doanh nghiệp đặt ra. Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh số 1 tỷ USD từ sản phẩm Apple, tăng 50% so với 2022, giúp nâng thị phần các sản phẩm Apple tại MWG từ 30% lên 40%. 

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp từ MWG.

Vì sao chọn đóng cửa Bluetronics tại Campuchia?

Bluetronics là một mô hình tương tự mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam. Theo công bố của MWG tính tới ngày 31/3/2022, Bluetronics có 44 cửa hàng ở Campuchia. 

Ông Hiểu Em nhìn nhận đây không phải mô hình quá tệ. Tuy nhiên, thị trường Campuchia quá nhỏ, chính sách thuế khoá phức tạp. Với MWG khi vận hành ở Campuchia, khi áp dụng đúng chính sách thuế ở đây thì MWG bán cao hơn thị trường 10 - 15%. Nếu giảm xuống 10-15% để đua theo thị trường thì MWG không có lãi. Còn nếu bán đúng giá thì không có cạnh tranh đặc biệt khi thị trường tại Campuchia lại khá nhỏ.

Vì vậy, sau gần 6 năm hoạt động ở Campuchia, cuối năm 2022, ông Hiểu Em cho biết MWG đã quyết định đóng toàn bộ cửa hàng Bluetronics tại thị trường Campuchia trong quý I/2023 để tập trung cho các thị trường khác như Indonesia và dồn lực cho các mô hình kinh doanh khác.

 Hình ảnh một cửa hàng Era Blue ở Indonesia. (Ảnh: Facebook của ông Đoàn Văn Hiểu Em).

Về mô hình Era Blue ở Indonesia, trái ngược với thị trường Campuchia thì thị trường Indonesia rất lớn, thậm chí gấp đôi thị trường Việt Nam. Hành vi mua sắm của người dân nơi đây cũng tương đồng như ở Việt Nam.

Ông Hiểu Em chia sẻ MWG thấy được những cơ hội ở thị trường này khi quy mô thị trường điện máy còn rất nhỏ so với Việt Nam. 

Lý do quy mô thị trường điện máy ở Indonesia nhỏ là dịch vụ về điện máy ở Indonesia không được tốt. Ví dụ các nhà bán lẻ chỉ có nhiệm vụ bán hàng còn toàn bộ các khâu vận chuyển, lắp đặt nằm trên vai các hãng. Có những sản phẩm mua thì một tuần sau mới được giao đến và lắp đặt.

Vì vậy, MWG đã mang mô hình kinh doanh ở Việt Nam qua. Trong tháng đầu tiên thử nghiệm, ông Hiểu Em cho hay trung bình doanh thu trên mỗi cửa hàng đạt 5 tỷ đồng với mô hình cửa hàng khoảng 400 m2 - tương đương một cửa hàng ĐMX mini ở Việt Nam. Với cùng một mô hình 400 m2 ở Việt Nam thì mức doanh thu này đã có lời. 

MWG sẽ tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các cửa hàng Era Blue ở Indonesia để có sự đánh giá toàn diện hơn sau đó bước vào giai đoạn tăng tốc và mở rộng.

Ở Indonesia có hai nhà bán lẻ lớn là đối thủ của MWG làElectricity (hơn 60 cửa hàng), Hartona (vài chục cửa hàng) cùng các cửa hàng truyền thống. Nếu so với mức giá thì Era Blue đang bán rẻ hơn Electric City và nhỉnh hơn so với kênh truyền thống.

Hiện MWG có một đội ngũ các chuyên gia am hiểu thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang hoạt động ở Era Blue. Còn nhân viên bán hàng thì toàn bộ là người địa phương.

Chuỗi An Khang phải có doanh thu trên 450 triệu/cửa hàng mới có lãi

 Một cửa hàng thuốc An Khang ở TP HCM (Ảnh: nhathuocankhang.com).

Về mô hình An Khang, kết thúc tháng 1, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng An Khang đạt khoảng 350 triệu/tháng. So với khởi đầu thì doanh thu đã tăng gấp đôi song so với các cửa hàng đối thủ thì chưa đạt. MWG đang tiến hành quan sát thị trường và đối thủ để học hỏi.

MWG vẫn xác định theo đuổi chiến lược phát triển nhà thuốc An Khang với diện tích nhỏ gọn (khoảng 30 m2 chưa kể kho), trong khu dân cư, nằm ở những vị trí ngã ba, ngã tư để tăng nhận diện. Giải thích về việc ngưng mở mới sau giai đoạn mở thần tốc, ông Hiểu Em chia sẻ việc chậm lại một nhịp sẽ giúp MWG có đủ thời gian nhìn nhận, củng cố lại mô hình kinh doanh để gia tăng doanh thu cho 500 cửa hàng.

Ông Hiểu Em tiết lộ mức doanh thu có lời trên mỗi cửa hàng An Khang sẽ từ 450 triệu đồng trở lên. Khi có lời thì MWG sẽ quay trở lại mở rộng. 

Định hướng với chuỗi AVA, sẽ tiếp tục rà soát lại các mô hình không hiệu quả như AVA Sport. Hiện MWG chỉ còn mô hình duy nhất hiệu quả là AVA Kids (64 cửa hàng) với doanh thu trên 1 tỷ/tháng và doanh nghiệp đang tìm cơ hội để gia tăng doanh thu.

Trong năm nay sẽ tập trung nhiều cho hai chuỗi TGDĐ và ĐMX và hoàn thiện các chuỗi mới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm