Cập nhật từ cuộc họp với chuyên viên phân tích trong tháng 3, SSI Research thông tin CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) vẫn tập trung chiến lược vào chất lượng sản phẩm để tạo sự khác biệt so với các đối thủ.
Ban lãnh đạo tin rằng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng thay vì sản phẩm giá thấp. Chiến lược sản phẩm của Nhựa Bình Minh tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Tuy nhiên, phía SSI Research cho rằng sản phẩm giá cao của công ty có thể làm giảm sản lượng tiêu thụ và có thể khiến một số khách hàng lựa chọn thương hiệu thay thế.
Trong hai tháng đầu năm, công ty cho biết doanh số tiêu thụ yếu do yếu tố mùa vụ. Về nguyên liệu đầu vào, Nhựa Bình Minh kỳ vọng giá PVC sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm 2024. Về mạng lưới phân phối, ban lãnh đạo cho rằng mạng lưới phân phối của công ty hiện tại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của công ty và sẽ duy trì hệ thống hiện tại.
Năm 2024, đơn vị phân tích ước tính doanh thu thuần có thể đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023 và lợi nhuận ròng 915 tỷ đồng, giảm 12%.
Dự báo sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 5% so với năm ngoái, mức tăng trưởng hạn chế vì cho rằng hoạt động xây dựng sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi hơn.
Ước tính giá bán bình quân sẽ chỉ giảm 4%, do chính sách duy trì giá sản phẩm cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh, mặc dù chiến lược này sẽ khó duy trì.
SSI Research thấy rằng sản lượng tiêu thụ của một số doanh nghiệp như Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) và Hoa Sen (Mã: HSG) cao hơn so với Nhựa Bình Minh trong năm 2023.
Biên lợi nhuận gộp của ngành ống nhựa đạt từ 30-40%, tăng từ mức 22-25% trong 5 năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp cao thúc đẩy các đối thủ cạnh tranh mới tích cực theo đuổi thị phần, nhìn lại giai giai đoạn 2015 - 2017 khi Hoa Sen cũng theo đuổi chiến lược tương tự.
Công ty dự kiến sẽ có thể thực hiện chương trình khuyến mại giá bán trong 1-2 tháng cho các đại lý phân phối trong năm, nhằm khuyến khích sản lượng tiêu thụ trong thời gian tiêu thụ yếu. Do đó, biên lợi nhuận gộp có thể ở mức 39% trong năm 2024.