Nhận xét về tiềm năng công nghiệp trí tuệ nhân tạo Việt Nam, tại buổi Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 chiều 18/3, ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta khẳng định Việt Nam sẽ trở thành con rồng về trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo ở Đông Nam Á.
"Người Việt Nam là những người rất quyết tâm và có tầm nhìn kinh doanh, trong khi trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực không đòi hỏi nhiều hạ tầng cứng cáp, thay vào đó là tài năng", ôngRafael Frankel nhìn nhận và cho biết bây giờ là thời điểm phù hợp để Việt Nam đưa ra các quyết định chiến lược để trở thành quốc gia tiên phong cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và trở thành nhân tố dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục duy trì được những lợi thế sẵn có, tư duy cởi mở và tận dụng được cơ hội lớn đang mở ra. Việt Nam cần trở thành nơi các công ty công nghệ thế giới muốn đến kinh doanh.
"Còn rất nhiều điều chúng ta có thể làm. Một trong số đó là nhu cầu mở rộng phổ tần 6 gigahertz cho Wifi nhằm củng cố làn sóng tăng trưởng tiếp theo ở Việt Nam khi nói đến nền kinh tế số", lãnh đạo Meta gợi ý.
Về hỗ trợ cho Việt Nam, ông Rafael Frankel cho biết, Meta đã đào tạo hơn 85.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) về kỹ năng số để giúp doanh nghiệp phát triển và giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu vai trò của Kinh doanh Hội thoại đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Đặc biệt, năm 2024, Meta sẽ ra mắt bộ sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và Việt Nam hiện đang nằm trong lộ trình ra mắt đó. Đây có thể trở thành công tuyệt vời cho người Việt và các doanh nghiệp Việt để phát triển tệp khách hàng và tiếp cận tất cả mọi người trên toàn thế giới, nhằm phát triển trên một quy mô chưa từng có.
ông Rafael Frankel khẳng định.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, sự phát triển của công nghệ ngành càng diễn ra với tốc độ nhanh chóng, trong đó công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiện nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
“Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin.
Cùng với ngành bán dẫn, trong làn sóng phát triển của công nghệ AI, Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI. Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Sau hai năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights.
“Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu”.
Các đơn vị có thể tham dự và nộp hồ sơ từ nay đến ngày 15/8. Vào tháng 9 và tháng 10 sẽ diễn ra vòng đánh giá và phỏng vấn trực tiếp. Chương trình kết thúc và công bố vào tháng 10/2024.
Các dự án tham gia có thể nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế.