Tại hội nghị nhà đầu tư nhằm cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 vừa diễn ra, ông Phạm Như Ánh - tổng giám đốc MBBank - tiếp tục nhận được câu hỏi từ phía cổ đông về các khoản nợ của Novaland, Trung Nam Group.
Ông Ánh cho biết tính đến cuối năm 2024, nợ của hai doanh nghiệp lớn nêu trên đều là thuộc nhóm 1 (khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn).
Theo ông Ánh, nhiều dự án lớn của Novaland đang trong tiến trình tháo gỡ pháp lý, các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo.
Với Trung Nam, ông Ánh cũng kỳ vọng hết quý 1-2025, các vấn đề khúc mắc liên quan đến khách hàng ngành năng lượng tái tạo này sẽ được giải quyết, theo đó khoản nợ của ngân hàng sẽ được an toàn.
Chia sẻ thêm, bà Phạm Thị Trung Hà - phó tổng giám đốc MB - cũng khẳng định, khoản nợ của Trung Nam và Novaland đều có tài sản đảm bảo gấp từ 2,5 - 3 lần dư nợ. "Các doanh nghiệp này vẫn trả nợ bình thường", bà Hà nói.
Trước đó, tại nhiều cuộc họp với nhà đầu tư, cổ đông đều chất vấn lãnh đạo ngân hàng về khoản nợ của Novaland, Trung Nam trong bối cảnh tình hình kinh doanh của hai doanh nghiệp này khó khăn, nhiều dự án vướng.
Năm 2023, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam báo lỗ sau thuế lên tới 2.878 tỉ đồng, sau khi lãi 252 tỉ đồng vào năm 2022. Trong khi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Novaland trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi âm 4.376 tỉ đồng.
Trở lại với tình hình kinh doanh MBBank, chia sẻ từ Tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 tăng khoảng 12% so với năm 2023, và đạt 27.600 tỉ đồng. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9,5-10%.
Đáng chú ý, tín dụng năm 2024 của MBBank tăng tới 24,3%, trong khi huy động tăng 19%.
Ông Ánh cho biết MBBank có thể là ngân hàng có mức tăng trưởng cao nhất ngành ngân hàng. Sang năm 2025, dự báo nền kinh tế khởi sắc hơn, Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng 8-10%.
"Nếu kết quả tăng trưởng GDP đạt cao thì các ngân hàng sẽ dễ thở hơn, có dư địa tốt hơn để cho vay", ông Ánh nói và dự báo tăng trưởng tín dụng MBBank có thể đạt 25-26%.
Lãnh đạo MBBank cũng khẳng định, tín dụng của ngân hàng này sẽ tập trung dịch chuyển bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần còn lại cho doanh nghiệp lớn.
Trước lo ngại thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cuối năm 2024 hết hiệu lực khiến các khoản nợ xấu có thể gia tăng, lãnh đạo MBBank cho biết các khoản nợ được tái cơ cấu đã được trích lập dự phòng đầy đủ.
Sau năm 2024, khách hàng không có khả năng trả nợ sẽ chuyển sang diện nợ xấu thông thường, song nhìn chung các tỉ lệ vẫn trong ngưỡng kiểm soát của ngân hàng.
Không chỉ quan tâm đến khoản nợ tại Novaland và Nam Trung, câu chuyện cơ cấu ngân hàng 0 đồng cũng là chủ đề nóng trong buổi tiếp xúc cổ đông của lãnh đạo MB hôm nay.
Kết quả kinh doanh của MBV không hợp nhất với MBBank
Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) đã chính thức công bố đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV).
MBV là thành viên thuộc hệ sinh thái MB Group, bao gồm 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, MBV) và 6 công ty thành viên (MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit).
Ông Phạm Như Ánh cho biết khi vào tiếp quản ngân hàng 0 đồng hồi giữa tháng 10 năm ngoái, MBBank đã tập trung nguồn lực về công nghệ, cử đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm để kiện toàn bộ máy và đưa ra phương án chiến lược để tham gia tái cơ cấu.
Đồng thời CEO MBBank cho biết lợi nhuận báo cáo hợp nhất của MBBank sẽ không hợp nhất kết quả kinh doanh của MBV.