Tại Hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư chiều 17/11, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG) nhìn nhận bối cảnh kinh doanh quý III vừa qua đã tốt hơn so với hai quý đầu năm, tuy nhiên vẫn hết sức khó khăn. Hoạt động kinh doanh quý IV dự kiến vẫn sẽ không có nhiều đột biến. Vì vậy cả năm, doanh thu và lợi nhuận đạt được sẽ không chạm mức kế hoạch năm và thậm chí còn giảm so với năm 2022.
9 tháng đầu năm, BCG ghi nhận doanh thu thuần gần 2.834 tỷ đồng, lãi sau tuế gần 185 tỷ, lần lượt giảm 14% và 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này mới giúp công ty đạt được gần 41% kế hoạch doanh thu và gần 29% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch BCG cũng cho rằng nhằm chuẩn bị cho tình huống suy thoái kinh tế còn kéo dài, công ty đã ngưng các hoạt động M&A và duy trì nguồn tiền dự trữ để tồn tại.
Thực tế, việc tạm dừng mở rộng hoạt động đầu tư đã được lãnh đạo BCG nêu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Lúc đó, ông Phạm Minh Tuấn cho biết năm nay tập đoàn sẽ không mở rộng ở các mảng khác, chỉ tập trung đi sâu đầu tư cho các mảng hiện tại, bên cạnh đó sẽ tìm kiếm thêm các đối tác chiến lược. Đồng thời, BCG xác định ưu tiên đầu tư cho mảng xây dựng cơ sở hạ tầng của Tracodi.
Ngoài việc duy trì nguồn tiền dự trữ, lãnh đạo Bamboo Capital cũng chia sẻ với nhà đầu tư sẽ tích cực cải thiện cơ cấu tài chính, bao gồm việc chủ động trả các khoản nợ trước hạn khi thu xếp được nguồn, tái cơ cấu khoản nợ trong nước sang nước ngoài với lãi suất thấp hơn.
Tập đoàn vẫn sẽ ưu tiên huy động nguồn vốn chủ sở hữu thay vì huy động các công cụ nợ như trước đây. Đại diện BCG chia sẻ sẽ tìm cách gia hạn hoặc tất toán trước hạn đối với một số trái phiếu trong quý IV, đồng thời sẽ tìm kiếm đối tác cùng hợp tác thực hiện dự án.
Tại cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ đi vay của BCG hơn 13.956 tỷ đồng, giảm 5% so với ngày đầu năm và chiếm 1/3 tổng nguồn vốn.
Cũng tại cuối quý III, các khoản tiền và tiền gửi ngân hàng của BCG hơn 1.115 tỷ đồng. Trước đề xuất của nhà đầu tư nên chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông, ông Tuấn cho biết từ năm ngoái, công ty đã dừng chia cổ tức do ban lãnh đạo nhìn nhận nền kinh tế còn khó khăn, khủng hoảng kéo dài nên cần phải duy trì nguồn tiền dự trữ để đảm bảo hoạt động bình thường.
Lãnh đạo BCG cho biết trong năm nay và năm 2024, công ty chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó sẽ để dành nhằm duy trì hoạt động, vượt qua khủng hoảng.
Trả lời câu hỏi cổ đông về việc các lãnh đạo BCG gần đây đăng ký bán cổ phiếu, ông Phạm Minh Tuấn cho biết trong khoảng một năm qua, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của cổ phiếu BCG dao động khoảng 10 - 13 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu lãnh đạo BCG đăng ký bán hoặc chuyển nhượng cho người thân từ 5 - 7 triệu cổ phiếu.
"Do vậy chúng tôi tin là số lượng này không làm ảnh hưởng đến thị giá của cổ phiếu, và phần lớn trong số này được bán theo phương thức thỏa thuận cho nhà đầu tư khác muốn gia tăng mức đầu tư vào BCG", ông Tuấn nói.
Đại diện BCG bổ sung, "ngoài ra, việc bán cổ phiếu có khi vì cần thu xếp tài chính cá nhân, có khi để thay đổi danh mục đầu tư. Ví dụ như cá nhân tôi, toàn bộ số tiền từ việc bán 7 triệu cổ phiếu BCG được chuyển thành khoản đầu tư sang BCG Energy – công ty con của BCG ở mảng năng lượng. Đây đơn thuần là việc tái cơ cấu danh mục đầu tư và vẫn trong phạm vi các công ty của tập đoàn".