Trả lời:
Tim bẩm sinh là bệnh lý phát triển từ trong bào thai, ảnh hưởng đến cấu trúc tim, vách ngăn giữa các buồng tim, van tim hoặc mạch máu lớn từ tim. Nhiều dạng dị tật tim bẩm sinh đơn giản. Những tổn thương phức tạp khiến trẻ nhanh mệt, chậm phát triển, suy tim xuất hiện từ rất sớm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Tiên lượng sống của người mắc bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc vào loại dị tật, mức độ nghiêm trọng của bệnh, thời điểm được phát hiện và điều trị. Bệnh nhân bị dị tật nhẹ như thông liên thất, thông liên nhĩ lỗ nhỏ không gây tăng áp lực động mạch phổi có thời gian sống gần như người bình thường. Trong khi đó, những dị tật nặng như tim bẩm sinh tím do tổn thương của đường thoát thất và các mạch máu lớn (tứ chứng Fallot, không lỗ van động mạch phổi, chuyển vị đại động mạch...) hoặc tâm thất độc nhất có tiên lượng kém hơn nhiều, nguy cơ tử vong cao trong 4 năm đầu sau sinh.
Trước đây khi nền y học chưa phát triển, khả năng phát hiện và điều trị sớm còn nhiều hạn chế. Các phương pháp hiện đại giúp điều trị hiệu quả bệnh tim bẩm sinh chưa có, khiến trẻ dù được chữa trị nhưng tuổi thọ không kéo dài. Trong vòng hai thập kỷ qua, phương pháp tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh từ trong thời kỳ bào thai giúp tăng khả năng chẩn đoán sớm, từ đó lên kế hoạch theo dõi, điều trị kịp thời. Lĩnh vực thông tim can thiệp và phẫu thuật tim có nhiều tiến bộ, khoảng 98% trẻ sinh ra bị dị tật tim sẽ sống khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành nếu được điều trị kịp thời. Nhiều người bệnh sống thọ như những người khỏe mạnh khác.

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần đi khám, siêu âm tim định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh. Ảnh minh họa: Thu Hà
Nhiều dị tật tim bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có khả năng cải thiện bằng nhiều phương pháp.
Uống thuốc: Các loại thuốc thường được kê toa cho bệnh nhân tim bẩm sinh là thuốc điều trị suy tim, thuốc lợi tiểu, chống loạn nhịp, thuốc chống đông máu...
Cấy thiết bị hỗ trợ: Máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim tự động (ICD) cho trẻ lớn, người trưởng thành... giúp điều chỉnh nhịp tim không đều, ngăn ngừa một số biến chứng liên quan đến dị tật tim bẩm sinh.
Can thiệp nội mạch: Những thủ thuật này cho phép bác sĩ sửa chữa các khuyết tật tim bẩm sinh mà không cần phẫu thuật mở lồng ngực và tim, giảm rủi ro và biến chứng thường xảy ra trong một ca mổ tim.
Phẫu thuật: Nếu can thiệp qua đường ống thông không thể sửa chữa khiếm khuyết, bác sĩ phải phẫu thuật tim hở (mở lồng ngực). Những cuộc phẫu thuật này được tiến hành để đóng lỗ thông trong tim, mở rộng hoặc dịch chuyển mạch máu, sửa hoặc thay van tim...
Ghép tim: Trong trường hợp khuyết tật tim bẩm sinh quá phức tạp không thể sửa chữa hoàn toàn, bác sĩ sửa chữa tạm thời để chờ đợi cho việc ghép tim sau đó.
Thông liên nhĩ là dạng bệnh lý tim bẩm sinh đơn giản, trẻ có tiên lượng sống tương đương người bình thường nếu được chữa trị đúng phác đồ.
Con trai bạn đã đóng lỗ thông liên nhĩ từ sớm, thông thường sau thủ thuật cần từ 3 đến 6 tháng để lỗ thông được bít kín hoàn toàn, trẻ sẽ phát triển như các bé cùng trang lứa. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ lỗ thông liên nhĩ còn tồn lưu, có thể do lỗ thông quá lớn hoặc trẻ bị tăng áp động mạch phổi từ trước khi can thiệp. Vì vậy, trẻ cần được theo dõi và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Phụ huynh không tự ý ngưng thuốc, điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc dùng lại toa thuốc cũ cho trẻ mà không tái khám.
Sau một thời gian theo dõi, khi tình trạng ổn định hoàn toàn, trẻ vẫn nên duy trì lịch tái khám, kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ, hoạt động thể chất thường xuyên, tránh béo phì, uống thuốc đúng chỉ định.
Trưởng đơn vị Tim mạch
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |