Tài chính

Lạm phát Nhật Bản cao nhất 40 năm sau quyết định làm rung chuyển thị trường toàn cầu của BOJ

Dữ liệu ngày 23/12 cho thấy lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản trong tháng 11 đạt mức kỷ lục mới trong vòng 40 năm khi chạm mức 3,7%. Các công ty tiếp tục đẩy chi phí sản xuất đắt đỏ sang cho các hộ gia đình. Đây là một dấu hiệu cho thấy giá cả tăng đang tác động sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Các nhà phân tích cho biết, sự gia tăng này đặt ra nghi ngờ về quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) rằng lạm phát gần đây sẽ chỉ là tạm thời. Nhiều người cũng hoài nghi cả những kỳ vọng của thị trường về việc ngân hàng trung ương sẽ trở lại với các gói kích thích lớn vào năm tới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng có tính chi phí năng lượng, tăng đúng như dự báo thị trường và nối tiếp đà tăng 3,6% trong tháng 10.

Đây là mức tăng lớn nhất kể từ mức 4% vào tháng 12/1981, thời điểm mà lạm phát vẫn còn cao do tác động của cú sốc dầu mỏ năm 1979 và nền kinh tế đang bùng nổ.

Chỉ số cốt lõi không bao gồm năng lượng và thực phẩm tươi sống tháng 11 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng mạnh so với mức 2,5% trong tháng 10.

Chỉ số cốt lõi gia tăng cho thấy áp lực lạm phát đang hình thành ở Nhật Bản và có thể còn tiếp diễn trong năm tới.

Dữ liệu mới nhất có thể xem như một trong những yếu tố chính để BOJ xem xét kỹ lưỡng, khi đưa ra dự báo lạm phát hàng quý tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào giữa tháng 1.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng BOJ sẽ điều chỉnh lại dự báo hiện tại được đưa ra hồi tháng 10 để lạm phát tiêu dùng cơ bản giảm xuống 1,6% trong năm tài chính tiếp theo, sau khi đạt 2,9% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2023.

Nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ giảm 0,8% trong quý 3 do nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và chi phí nhập khẩu tăng đè nặng lên tiêu dùng và doanh nghiệp.

Mặc dù các nhà phân tích kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng lên trong quý 4, vẫn chưa chắc chắn liệu tiền lương có tăng đủ để bù đắp cho các hộ gia đình chi trả phí sinh hoạt và hỗ trợ tiêu dùng hay không.

Mới đây, BOJ đã khiến thị trường toàn cầu rung chuyển khi điều chỉnh lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản tăng lên khoảng 0,5% so với 0,25% trước đó. Động thái này được coi là khúc mở màn cho việc rút lại chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của Nhật Bản.

Tuy nhiên Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4, cho biết ngân hàng không có ý định rút lại các biện pháp kích thích vì lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống dưới 2% vào năm 2023.

Theo Nikkei

Cùng chuyên mục

Đọc thêm