Tài chính

Làm công ăn lương, tuổi 30 tôi cán mốc tự đo tài chính: Tiết kiệm là thượng sách, có bị chê bủn xỉn cũng mặc

Làm công ăn lương, tuổi 30 tôi cán mốc tự đo tài chính: Tiết kiệm là thượng sách, có bị chê bủn xỉn cũng mặc - Ảnh 1.

Kathleen Elkin, cây bút của tờ Business Insider, chuyên phỏng vấn những người thành công để tìm hiểu cách họ quản lý tài chính. Sau 7 năm gặp gỡ và trò chuyện, cô nhận ra có một cách đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng để trở nên giàu có: tiết kiệm.

“Tôi không phải người quản lý tài chính tốt. Mỗi tháng, tôi tiết kiệm ra một khoản theo cảm hứng và không đặt ra một con số cụ thể. Việc thiết lập chế độ tiết kiệm tự động như vậy sẽ khiến bạn dễ thỏa mãn. Bạn chỉ biết rằng mình đang tiết kiệm nhưng lại vô cùng mơ hồ về mục tiêu tiền bạc cụ thể.

Điều tôi học được từ những nhà đầu tư thành công là bạn sẽ không đi đến đâu nếu không có định hướng. Những người thành công đều đặt ra các mục tiêu tiền bạc rất cụ thể, vì vậy, vạch ra được kế hoạch chi tiết để đạt được số tiền đó”.

Thực tế, rất nhiều người trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ duy trì cho mình lối sống tiết kiệm. Việc áp dụng chuẩn chỉnh các nguyên tắc tối thiểu giúp chúng ta cải thiện tốt hầu bao, thậm chí khiến những người làm công ăn lương cũng có thể tích được khoản tiền kha khá để nghỉ hưu sớm.

Jordan Hall, một nhân viên 24 tuổi, dành dụm được 50.000 bảng/năm (tương đương 1,4 tỷ đồng). Đây là thành quả sau nhiều tháng Hall tiết kiệm 50% thu nhập, thuê căn hộ giá rẻ và đạp xe đi làm.

Không ngại bị nói là keo kiệt, Hall cho biết mình tiết kiệm rất có tổ chức. Anh chàng này uống cà phê có sẵn ở văn phòng mỗi ngày thay vì mua mới tại quán, thậm chí tự chuẩn bị bữa trưa đều đặn. “Mỗi ngày chi 2,5 - 3 bảng cho cà phê, cộng lại một năm sẽ thành một khoản lớn. Đi ăn trưa bên ngoài cũng tốn kém”, Jordan Hall chia sẻ.

Làm công ăn lương, tuổi 30 tôi cán mốc tự đo tài chính: Tiết kiệm là thượng sách, có bị chê bủn xỉn cũng mặc - Ảnh 2.

Một cách đơn giản bất kỳ ai cũng có thể áp dụng để trở nên giàu có: tiết kiệm.

Nhờ tiết kiệm, chàng trai này có thể sắp được nghỉ hưu sớm ở tuổi 30,35 dù vẫn có niềm yêu đặc biệt với công việc của mình. “Mục tiêu thực sự không phải nghỉ hưu hoàn toàn, mà là tôi có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn”, Hall nói.

Dave Hamilton là một ví dụ khác của lối sống tiết kiệm. Thanh niên này đã đạt tự do tài chính ở tuổi 36 sau 15 năm làm việc trong ngành phân tích dữ liệu nhờ hạn chế mua quần áo mới, xe hơi hay đồ công nghệ đắt tiền.

“Sở thích của tôi rất đơn giản. Tôi không mua quần áo, xe hơi hay máy tính đắt tiền”, Dave Hamilton nói.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng “tiết kiệm là cách làm giàu chậm chạp”. Câu chuyện về Tanner Chidester - một triệu phú tự thân trẻ tuổi nổi tiếng là ví dụ điển hình.

Chia sẻ bí quyết làm giàu với tờ CNBC, Chidester cho biết nếu bạn muốn trở nên giàu có, đừng nên tiết kiệm. “Kiếm được nhiều tiền dễ dàng hơn là tiết kiệm. Tiết kiệm là cách làm giàu chậm chạp’’, Chidester nói.

Chidester năm nay 31 tuổi. Bản thân anh trước khi trở thành một triệu phú tự thân cũng phải va vấp nhiều trước khi tìm ra cách kiếm tiền hiệu quả.

Năm 22 tuổi, chàng thanh niên này đã có một quyết định táo bạo: thôi học tại đại học Texas A&M và dấn thân vào con đường kinh doanh. Ý tưởng khi đó là tạo ra các kế hoạch ăn uống và tập thể hình lành mạnh (fitness).

Hai năm đầu khởi nghiệp, Chidester chỉ kiếm được 2.000 USD. Để có thể trang trải cuộc sống và thanh toán các hóa đơn, anh đã phải làm việc theo ca 6 tiếng tại Olive Garden. Mãi cho đến khi tham gia một khóa học trực tuyến về cách xây dựng doanh nghiệp, Chidester mới có thể điều hành startups của mình trơn tru.

Làm công ăn lương, tuổi 30 tôi cán mốc tự đo tài chính: Tiết kiệm là thượng sách, có bị chê bủn xỉn cũng mặc - Ảnh 3.

Chidester

“Đó là khi tôi biết rằng mọi người sẵn sàng trả một mức giá cao, lên tới 1.500 USD hoặc hơn, cho một dịch vụ”, Chidester nói. “Thời điểm đó tôi đang bán các chương trình fitness của mình chỉ với giá khoảng 40 USD”.

Kể từ đó, Chidester bắt đầu tập trung bán các chương trình huấn luyện cá nhân 1-1 - gói fitness mà mọi người sẵn sàng trả một mức giá lên tới bốn con số. Doanh thu theo đó tăng lên chóng mặt: 10.000 USD chỉ trong 1 tuần. Dần dần, số tiền Chidester kiếm được dao động trong khoảng 30.000-50.000 USD/tháng. Cho tới năm 27 tuổi, anh thực sự đã trở thành một triệu phú.

Có một sự thật là, đa số người giàu thường chi tiêu ít, còn người nghèo lại chi tiêu nhiều. Theo một nghiên cứu được trang Get Money Rich trích dẫn, người giàu trung bình tiết kiệm hơn 50% thu nhập. Điều này khiến họ, dù có nhiều khoản chi, song vẫn dành dụm được nhiều hơn người nghèo, nếu tính theo tỷ lệ phần trăm. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, số tiền bạn tiết kiệm được sẽ quan trọng hơn cả thu nhập hàng tháng.

Tuy nhiên, với Chidester, thay vì tiết kiệm, tập trung vào việc kiếm tiền sẽ là con đường hiệu quả và nhanh hơn để gây dựng sự giàu có. Ngoài ra, “nếu bạn kiếm được nhiều, việc tiết kiệm cũng sẽ dễ dàng hơn”.

Chidester không phải là triệu phú tự thân duy nhất khuyến khích kiểu tư duy kiếm tiền thay vì tiết kiệm. Trước anh, Grant Cardone cũng từng chia sẻ rằng cách duy nhất để trở nên thực sự giàu có là tập trung vào việc kiếm tiền.

“Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không trở nên giàu có nhờ việc tiết kiệm tiền mua một ly latte hàng ngày đâu. Nếu không có thu nhập, bạn sẽ không có tiền để tiết kiệm’’, triệu phú Grant Cardone nói. “Hãy tìm cách tăng thu nhập của mình và bạn sẽ có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền”.

“Người giàu cũng biết tiết kiệm là quan trọng, nhưng họ biết kiếm tiền thậm chí còn quan trọng hơn’’, Steve Siebold, tác giả cuốn sách “How Rich People Think” cũng cùng chung quan điểm.

Theo: CNBC, BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm