Hai mảng kinh doanh lãi đột biến
Trong quý III/2023 và 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của các ngân hàng, đã quay đầu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Các nhà băng đã phải dựa vào các khoản thu ngoài lãi để duy trì tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận.
Trong đó, thu nhập từ dịch vụ đi ngang, thu nhập khác không còn ghi nhận khoản thu đột biến như năm ngoái nhưng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư cũng như hoạt động kinh doanh ngoại hối lại ghi nhận kết quả đột biến, hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận của ngân hàng.
Theo số liệu từ WiChart, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đã mang lại cho các nhà băng niêm yết tổng cộng 4.036 tỷ đồng trong quý III, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hai hoạt động này đã đem về cho các ngân hàng tổng cộng 8.752 tỷ đồng, tăng 88,8% so với cùng kỳ.
Tương tự, hoạt động ngoại hối cũng đem về cho các ngân hàng 7.477 tỷ đồng trong quý III, tăng 61% so với cùng kỳ. Xét lũy kế 9 tháng, mảng kinh doanh này giúp các ngân hàng kiếm được 187.129 tỷ đồng, tăng 21,7%.
Trong quý III/2023, hoạt động mua bán chứng khoán và hoạt động ngoại hối đóng góp 37% vào tổng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng, ngưỡng cao nhất trong nhiều quý gần đây. Trong đó, tỷ lệ đóng góp vào thu nhập ngoài lãi của hoạt động chứng khoán là 12,8%, còn mảng ngoại hối là 21,6%.
Mặc dù thu nhập ở các mảng nói trên có tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua, tuy nhiên lại khó duy trì sự ổn định do phụ thuộc rất lớn và những yếu tố bên ngoài mà ngân hàng khó kiểm soát được.
Mua bán chứng khoán phụ thuộc vào lãi suất
Các ngân hàng chủ yếu nắm các loại chứng khoán như trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các tổ chức kinh tế (chứng khoán nợ) và một phần nhỏ cổ phiếu của các công ty (chứng khoán vốn).
Tùy theo thời gian, mục đích nắm giữ mà những loại chứng khoán này sẽ được phân loại thành chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (Available for sale - AFS) hay chứng khoán nắm giữ đến khi đáo hạn (Held to maturity - HTM).
Với chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, ngân hàng chủ yếu thu lợi từ chênh lệch giữa giá bán ra - mua vào. Trong khi đó, với chứng khoán nắm giữ dài hạn, ngân hàng sẽ giữ tới khi đáo hạn để nhận lãi theo kỳ cũng như gốc.
Giá chứng khoán nợ hay các loại trái phiếu (chiếm phần lớn danh mục đầu tư của các ngân hàng) có quan hệ nghịch chiều với lợi suất và lãi suất chính sách.
Theo đó, khi lãi suất huy động giảm,những trái phiếu đã phát hành từ trước, với mức lãi suất cao hơn, sẽ tăng giá.
Và ngược lại, khi lãi suất tăng lên, những trái phiếu mới phát hành sẽ có lãi suất cao hơn, trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Do đó, những trái phiếu đã phát hành từ trước, với mức lãi suất thấp hơn sẽ bị giảm giá.
Trong giai đoạn hai quý cuối năm 2022, khi lãi suất tăng nhanh kéo theo lợi suất trái phiếu đi lên, các ngân hàng đã chứng kiến lợi nhuận từ mua bán chứng khoán sụt giảm nhanh chóng và chịu lỗ trong quý IV. Trong khi đó, khi lãi suất và lợi suất giảm dần từ cuối quý I/2023, thu nhập từ mảng này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia và các lãnh đạo ngân hàng, không có nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất chính sách do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đảm bảo những nhiệm vụ như bình ổn lạm phát hay ổn định tỷ giá.
Do đó, mức lợi nhuận đột biến từ mua bán chứng khoán của các ngân hàng có thể sẽ khó duy trì trong những quý tiếp theo.
Kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào biến động tỷ giá
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh ngoại hối có hai nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Ngoài ra, một số ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng, nhưng không đáng kể.
Nhìn chung, lãi thuần của trong mảng kinh doanh này của các ngân hàng thuộc nhóm Big4 như Vietcombank, BIDV, VietinBank hay Agribank (chiếm khoảng 70% lãi thuần toàn ngành năm 2022) ... đều đến từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ giao ngay.
Theo dữ liệu từ WiChart, trong ba quý đầu năm 2023, chênh lệch giữa giá mua và bán USD tại Vietcombank thường duy trì quanh ngưỡng 300 VND/USD hoặc cao hơn. Mức chênh lệch này tương đương với phần lớn thời gian trong năm 2022, nhưng cao hơn đáng kể so với năm 2021, khoảng 200 VND/USD.
Sự gia tăng trong chênh lệch giá mua - bán này có thể lý giải phần nào cho mức lợi nhuận từ ngoại hối ngày càng cao của ngân hàng.
Ngoài ra, trong nửa đầu năm nay, NHNN cũng đã mua 6 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối. Trong hai quý đầu năm, có nhiều thời điểm giá USD mua vào của NHNN cao hơn so với giá mua vào của ngân hàng thương mại, tạo thêm một nguồn thu cho các ngân hàng, đặc biệt là nhóm Big4.
Tuy nhiên, những yếu tố trên phụ thuộc vào diễn biến của lãi suất, thị trường cũng như động thái của NHNN.