Như thông tin cập nhật trước đó, trong tuần từ 18-22/4, thị trường liên ngân hàng ghi nhận hướng điều chỉnh mạnh của lãi suất VND.
Hướng điều chỉnh này giờ mới thực sự thể hiện, sau khi lãi suất ở đây liên tiếp tăng mạnh từ nửa cuối tháng 11/2021, lên cao theo tính mùa vụ cao điểm thanh toán chi trả dịp Tết 2022 và duy trì mặt bẳng ở mức cao cho đến nửa đầu tháng 4 này.
Nổi bật ở lãi suất VND qua đêm. Sau khi ổn định ở "mặt bằng mới" trên 2%/năm kéo dài thời gian qua, giữa tuần trước thị trường đã ghi nhận lãi suất qua đêm rời mốc 2%, xuống "đầu 1". Diễn biến này tiếp tục thể hiện mạnh hơn cho đến cuối tuần.
Cụ thể, sáng ngày 21/4, mức ghi nhận trên hệ thống dữ liệu của Reuters và cập nhật từ thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm hẳn về 1,62%; và chốt ngày theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất bình quân qua đêm đã rơi hẳn về 1,51%/năm, bình quân tức là có những giao dịch ở mức thấp hơn nữa.
Sang ngày 22/4, dữ liệu từ thành viên tham gia thị trường cập nhật tiếp tục cho thấy lãi suất VND qua đêm trên liên ngân hàng tiếp tục giảm xuống ghi nhận chỉ còn 1,41%, kỳ hạn 1 tuần cũng thấp hẳn so với "đầu 2" khi xuống còn 1,84%/năm.
Và sau khi có hiện tượng từng nổi lên đầu năm nay với đường cong lãi suất đảo ngược trên liên ngân hàng (lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài), đường cong lãi suất hiện đã thiết lập "trật tự" vốn có những năm qua, lãi suất các kỳ hạn ngắn thấp hơn hẳn các kỳ hạn dài.
Ở diễn biến liên quan, như đề cập vừa qua, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vừa ghi nhận quãng đột biến với kỷ lục ngày chốt quý 1 và kéo dài tầm cao cho đến nay. Hiện quy mô giao dịch qua đêm (chiếm chủ yếu) có phần hạ nhiệt song vẫn ở mức rất cao so với nhiều năm qua, đạt quanh 165.000 tỷ đồng.
Doanh số giao dịch tăng rất cao trong khi lãi suất cho xu hướng giảm mạnh cho thấy sự sôi động trong giao dịch vốn, các vòng quay vốn trong hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy sự thông suốt và kết nối tốt giữa các nhu cầu vốn ngắn hạn, trong khi chi phí vay vốn lại được giảm thiểu đi rất lớn so với vùng lãi suất hồi đầu năm.
Ở kênh hỗ trợ nguồn trên thị trường mở (OMO), một đặc điểm vẫn chưa thay đổi: Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 10.000 tỷ đồng/ngày, lãi suất 2,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày và suốt thời gian qua chỉ có 1-2 thành viên tham gia mà thôi, quy mô "khớp" nguồn hỗ trợ ở đây cũng chỉ quanh 300 tỷ đồng/ngày và số dư lưu hành nguồn hỗ trợ này cũng rất thấp dưới 3.000 tỷ đồng tổng thể.
Như vậy, bước vào tháng đầu tiên của quý 2 – thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế vào guồng sôi động sau mùa lễ tết, lãi suất liên ngân hàng đã được bình ổn và giảm khá mạnh như trên tạo tín hiệu tích cực bình ổn một cấu phần chi phí quan trọng trong hệ thống ngân hàng và gián tiếp với nền kinh tế.