Phong cách sống

Là đồ second-hand nhưng thứ này vẫn được săn lùng ráo riết, người giàu thậm chí chưa chắc mua được

Nhu cầu về đồng hồ sang trọng của Thụy Sĩ ngày càng tăng và điều này đang mở rộng sang cả thị trường đồng hồ đã qua sử dụng. Theo SCMP, thị trường này bùng nổ do người tiêu dùng Gen Z (người sinh ra trong giai đoạn năm 1997-2010) muốn mua sắm hàng hóa cao cấp nhưng họ cũng quan tâm đến tính bền vững.

Ước tính, thị trường đồng hồ cũ toàn cầu trị giá gần 20 tỷ Franc Thụy Sĩ (hơn 506 nghìn tỷ đồng) và có thể đạt 35 tỷ Franc Thụy Sĩ (hơn 885 nghìn tỷ đồng) vào năm 2023, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 bởi hãng kiểm toán và tư vấn khổng lồ Deloitte.

Thị trường đồ cũ đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn với sự gia tăng của các trang web bán hàng trực tuyến có tính xác thực. Thậm chí, các nhà sản xuất đồng hồ cũng tham gia vào thị trường này.

Là đồ second-hand nhưng thứ này vẫn được săn lùng ráo riết, người giàu thậm chí chưa chắc mua được - Ảnh 1.

Thị trường đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ second-hand đang bùng nổ nhờ thói quen mua hàng của Gen Z muốn tiêu dùng bền vững. Ảnh: Shutterstock.

"Ngày nay, khách hàng nhận ra rằng họ cần tiêu dùng có trách nhiệm hơn", Fabienne Lupo - cựu giám đốc của Tổ chức High Horology, từng tổ chức buổi trưng bày đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng ở Geneva (Thụy Sĩ) hồi tháng 11/2022 - cho biết. Sự kiện này có sự tham gia của đại diện gã khổng lồ đấu giá trực tuyến eBay, nền tảng bán đồng hồ Watchbox và các thương hiệu Thụy Sĩ như Zenith.

Lupo cho biết thị trường đồng hồ cũ trở nên bùng nổ là nhờ sự lựa chọn của người tiêu dùng Gen Y (những người sinh ra trong giai đoạn năm 1980-1996) và Gen Z - những người rất quan tâm đến tương lai của hành tinh và không còn muốn mua đồ mới.

Ngoài ra, những đồ vật cổ điển mà không phải chỗ nào cũng bán đang trở nên thịnh hành. Hơn nữa, đồng hồ xa xỉ mới đến từ thương hiệu Thụy Sĩ ngày càng khó sắm, do nhu cầu cao dẫn đến danh sách chờ mua ngày càng dài.

Là đồ second-hand nhưng thứ này vẫn được săn lùng ráo riết, người giàu thậm chí chưa chắc mua được - Ảnh 2.

Khách tham quan tại Salon International de la Haute Horlogerie, hội chợ đồng hồ cao cấp được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters.

Xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đạt kỷ lục vào năm 2022, tăng 11,4% so với năm trước đó, lên 24,8 tỷ Franc Thụy Sĩ (hơn 627 nghìn tỷ đồng), theo công bố mới của Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ.

"Sau đó là quá trình số hóa đã tăng tốc cùng với đại dịch", Lupo chia sẻ. Sự tăng trưởng trong thị trường đồng hồ đã qua sử dụng mạnh mẽ đến mức nền tảng trực tuyến Subdial của Anh đã phát triển một số chỉ số theo dõi 50 mẫu được giao dịch nhiều nhất.

Dẫu vậy, giá trung bình đã giảm từ mức kỷ lục 45.000 Franc Thụy Sĩ (hơn 1,1 tỷ đồng) vào tháng 2/2022 xuống còn 35.000 Franc Thụy Sĩ (gần 886 triệu đồng). Deloitte cho rằng đây là "sự điều chỉnh" (tức mức giảm khiến giá quay trở lại xu hướng dài hạn) chứ không phải dấu hiệu cho thấy thị trường đã ổn định.

Gã đồng hồ xa xỉ Richemont - công ty sở hữu các thương hiệu Cartier, IWC và Piaget - đã tham gia lĩnh vực này vào năm 2018 khi họ mua nền tảng Watchfinder của Anh. Rolex cũng đã có bước tiến vào tháng 12/2022 bằng cách tung ra chương trình CPO với nhà bán lẻ Bucherer của Thụy Sĩ. Động thái này giúp tăng sự giám sát với các sản phẩm của mình.

Là đồ second-hand nhưng thứ này vẫn được săn lùng ráo riết, người giàu thậm chí chưa chắc mua được - Ảnh 3.

Đồng hồ Rolex có thị phần lớn nhất trên thị trường đồng hồ xa xỉ đã qua sử dụng. Ảnh: Shutterstock.

Đối với các thương hiệu xa xỉ hàng đầu như Richard Mille, nơi giá đồng hồ trung bình vượt quá 260.000 Franc Thụy Sĩ (hơn 6,5 tỷ đồng), đồng hồ cũ thậm chí còn là cách để nâng cao hình ảnh.

"Chúng tôi có thể có khách hàng nói như này: 'Từng có đồng hồ phiên bản giới hạn 100 chiếc, đó là thứ tôi luôn mơ ước sở hữu nhưng giờ tôi mới có đủ tài chính. Nhưng các bạn đã không còn sản xuất mẫu đồng hồ đó nữa và việc tìm kiếm chúng gần như là bất khả thi", Alexandre Mille - con trai của nhà sáng lập thương hiệu - chia sẻ.

Nghiên cứu của Deloitte cho thấy việc mua một chiếc đồng hồ rẻ hơn là động lực chính của 44% số người được hỏi. Nhưng nhà phân tích Jon Cox của công ty dịch vụ tài chính Kepler Cheuvreux cho biết đồng hồ đã qua sử dụng là "kho của cải", được đeo và trưng bày trong nhiều năm nhưng vẫn giữ được giá trị để bán lại.

Theo SCMP

Cùng chuyên mục

Đọc thêm