Thời sự

Kỳ vọng làn sóng FDI từ Hàn Quốc mới vào Việt Nam

Năm 2008, bằng việc Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc thực sự bắt đầu.

Sau hơn một thập kỷ, từ số vốn 670 triệu USD đầu tư ban đầu, đến nay Samsung đã chính thức đầu tư tới 22 tỷ USD vào Việt Nam và con số vẫn chưa dừng lại.

 Vốn FDI vào Việt Nam từ năm 1990 đến nay. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài).

Sau hơn 30 năm hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 12/2022, hai nước nâng cấp lên quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện”.  

Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước của nước ngoài ( FDI) vào Việt Nam, đứng thứ hai về hợp tác phát triển (ODA) và lao động, du lịch, đứng thứ ba về hợp tác thương mại. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, chiếm 30% đầu tư và 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN.

Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới từ Hàn Quốc

Cùng với sự phát triển của Hàn Quốc trong những lĩnh vực mới như điện tử và bán dẫn và lợi thế sẵn có của Việt Nam, kỳ vọng về một làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam đang xuất hiện.

Tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt gần 86,9 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư), cách khá xa quốc gia đứng thứ hai là Singapore với hơn 77,2 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, HongKong.

 Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: NVCC).

Trao đổi với chúng tôi, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng, chúng ta đang đứng trước cơ hội mới nhưng rõ ràng cũng là khó khăn và thách thức mới khi thu hút FDI từ các lĩnh vực công nghệ cao tập trung vào ngành điện tử và bán dẫn.

Các nước phát triển trên thế giới đang cạnh tranh rất khốc liệt trong sản xuất chip, còn Việt Nam chắc chắn chưa thể đạt đến trình độ đó. Vì vậy, muốn mở rộng sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này, cần mở cửa, tạo điều kiện nhất, làm sao để các dự án công nghệ cao vào Việt Nam, nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Vừa rồi, tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ - Lam Research đã hợp tác với doanh nghiệp Seojin (Hàn Quốc) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng bán dẫn ở Việt Nam. Lam Research dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (Hàn Quốc) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn 1 - 2 tỷ USD. Sau giai đoạn 1, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Có thể thấy, dự án của Mỹ sẵn sàng vào Việt Nam nhưng họ khó có thể tìm được đối tác nội địa phù hợp mà lại hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhà máy tại Bắc Giang. Như vậy, không chỉ đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mạnh trong lĩnh vực bán dẫn cũng có thể giúp chúng ta thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ những nước khác.

Các dự án công nghệ cao khi vào Việt Nam họ rất quan tâm đến nhân lực, hạ tầng, nhà cung ứng....nếu không đáp ứng được những yêu cầu của nhà đầu tư thì rất khó để họ rót tiền vào. Nhân lực không cần nhiều nhưng trình độ phải cao, phải có chất lượng, do đó có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc, Việt Nam có thể đạt bước tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. 

Doanh nghiệp Hàn Quốc rất coi trọng Việt Nam

Vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sớm tăng trưởng sau giai đoạn chững lại. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Hạ An tổng hợp).

Trao đổi bên lề Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, bà Đinh Thị Tâm Hiền, Nguyên tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết doanh nghiệp Hàn Quốc rất coi trọng Việt Nam. Khoản đầu tư từ Hàn Quốc trong những năm qua đã góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc đã có mặt tại Việt Nam như Samsung; LG Electronics; Hyundai; CJ ; Lotte; SK; SHINHAN; Namyang, Hanwha …  Những doanh nghiệp này đã triển khai ở Việt Nam ”những dự án khổng lồ”  đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh của Hàn Quốc như công nghệ cao, điện tử.

Họ cho biết trong tương lai sẽ đầu tư phát triển hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn. Những dự án này đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ cao của thế giới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.

Theo bà Hiền, những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ hai nước được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng mới đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.

Việt Nam hiện đang khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong định hướng tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát. Một ví dụ điển hình là tập đoàn Samsung đã đầu tư tổng cộng 22 tỷ USD vào Việt Nam và cho biết sẽ quyết tâm duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 20 - 30 năm nữa.

Thêm vào đó, việc đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội và việc hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) thể hiện cam kết mạnh mẽ của Samsung trong việc đồng hành, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. 

Ngoài Samsung, Tập đoàn SK và nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết mong muốn được điều kiện để hợp tác,phát triển dự án đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp bán dẫn...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm