Phong cách sống

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình!

Năm 1955, một kỹ sư dầu khí tên là Calouste Gulbenkian đã qua đời ở tuổi 86 tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Mọi cáo phó đăng trên báo đều gọi ông bằng biệt danh: “Quý ngài 5%”. Bởi lẽ, chính 5% ít ỏi đó đã giúp vị doanh nhân này trở thành một trong những người giàu nhất thế giới khi ấy.

“Không bao giờ được bỏ lỡ cơ hội khai thác dầu”

Calouste Gulbenkian sinh ngày 23/3/1869 tại Constantinople, kinh đô của đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Cha ông kinh doanh khá tốt trong lĩnh vực ngân hàng và dầu khí, do đó ông được nuôi dạy với nhiều lợi thế.

Sau khi tốt nghiệp trường cấp ba tư thục tại Marseilles (Pháp), ông trúng tuyển vào một trong những trường đại học danh giá nhất nước Anh - King's College London. Tại đây, ông theo học ngành khai thác mỏ và kỹ sư dầu khí, với hy vọng sẽ theo chân cha kinh doanh càng sớm càng tốt.

Tốt nghiệp đại học, Calouste lại được cha cử tới mới vùng đất mới ở tuổi 18. Lần này là thành phố Baku, ngày nay là Azerbaijan.

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình! - Ảnh 1.

Chân dung Calouste Gulbenkian (Ảnh: Calouste Gulbenkian Musuem)

Khoảng nửa thế kỷ trước khi Calouste đặt chân tới đây, người Nga đã khám phá một lượng dầu lớn. Họ đã xây dựng một ngành công nghiệp dầu khí mạnh tới mức biến Azerbaijan thành một đế chế toàn cầu hiện đại sinh lời cho giới đầu tư.

Cha của Calouste cũng kiếm chác được kha khá ở Baku, dù không giàu đến mức như anh em nhà Nobel và gia tộc Rothschild.

Trong thời gian sống và làm việc ở đây, Calouste ngày càng đam mê kinh doanh dầu khí. Thậm chí khi trở lại Pháp vài năm sau đó, ông đã viết nhiều bài báo nhằm chia sẻ trải nghiệm của mình. Năm 1891, vị doanh nhân này đã xuất bản một cuốn sách riêng về kinh doanh dầu khí.

Bằng một cách nào đó, cuốn sách này đã lọt vào mắt xanh của một vị sultan Thổ Nhĩ Kỳ (quốc vương). Ngạc nhiên và ấn tượng khi biết tác giả vốn là người Thổ, vị sultan đã mời Calouste về nước để tìm dầu cho chính phủ. Vùng đất được nhắm tới khi ấy là Lưỡng Hà (Syria và Iraq ngày nay).

Kỳ lạ thay, chẳng cần phải đến tận nơi nhưng Calouste đã biết ở đó có dầu. Ông đã thu thập hàng tá nghiên cứu của những người đi trước, nói chuyện với các công nhân xây dựng đường sắt trong vòng nhiều năm. Họ kể cho ông nghe về những mỏ dầu phun khỏi mặt đất mà không cần tác động, tạo thành những vũng nước nhỏ trên sa mạc.

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình! - Ảnh 2.

Những giếng dầu ở Iraq ngày nay (Ảnh: Reuters)

Kế hoạch tìm dầu của Calouste nhanh chóng được vị sultan phê duyệt. Tuy nhiên, dự án buộc phải dừng lại khi đế chế Ottoman bắt đầu sụp đổ. Ông buộc phải tháo chạy tới London (Anh), nhằm tìm kiếm những cơ hội khả thi hơn suốt vài năm sau đó.

Trong thời gian này, Calouste được mời đến Ba Tư (nay là Iran) tìm dầu. Ông từ chối vì cho rằng đây là một phi vụ quá mạo hiểm. Đáng tiếc thay, không lâu sau đó Iran đã tìm ra một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới.

Rút kinh nghiệm từ sai lầm, Calouste thề rằng sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nào nữa. Kể từ đó cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ông luôn đặt một tấm bảng trên bàn làm việc, ghi khẩu hiệu: “Không bao giờ được bỏ lỡ cơ hội khai thác dầu”. Đối với ông, dầu mỏ chắc khác nào một người tình.

5% đủ để sống dư dả cả đời

Năm 1907, ở tuổi gần 40, Calouste vẫn cay cú vì bỏ lỡ mất cơ hội làm giàu ở Ba Tư. Vị doanh nhân này đã tìm đến anh em nhà Samuel - những người sở hữu Công ty Vận tải và Thương mại Shell, với hy vọng kinh doanh dầu khí ở Ba Tư.

Dần dần, dầu khí chiếm phần lớn trong hoạt động vận tải và thương mại của anh em nhà Samuel. Công ty của họ ngày càng nổi tiếng dưới tên gọi Shell Oil, sau đó sáp nhập với Công ty Dầu khí Hà Lan để trở thành Royal Dutch Shell.

Là người đứng ra dàn xếp thương vụ này, Calouste được thưởng 5% cổ phần của doanh nghiệp mới thành lập này.

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình! - Ảnh 3.

(Ảnh: Offshore Technology)

Vị doanh nhân này không chỉ là cố vấn cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn là Giám đốc của Ngân hàng Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã thành lập riêng một tổ chức có tên là Công ty Dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ (TPC), với sứ mệnh duy nhất là định vị và khai thác dầu ở Lưỡng Hà.

Vào năm 1912, vốn chủ sở hữu của TPC được chia như sau:

25% = Royal Dutch Shell

35% = Lợi ích của Chính phủ Anh

25% = Lợi ích của Chính phủ Đức

15% = Calouste Gulbenkian

Sở hữu số cổ phần lên tới 15% nhưng Calouste lại có biệt danh là “Quý ngài 5%”. Bởi lẽ, thương vụ này chưa bao giờ được tiến hành.

Khi Thế chiến I nổ ra vào năm 1914, các hoạt động của TPC bị đóng băng. Sau cuộc chiến, các thành viên muốn Đức rời khỏi liên minh. Anh và Hà Lan cũng muốn “hất cẳng” Calouste để lấy lại 15%. Dĩ nhiên, vị doanh nhân này chẳng đời nào chịu ra đi một cách im lặng.

Tận dụng mọi mối quan hệ và khả năng đàm phán của mình, Calouste đã dàn xếp để Pháp tiếp quản số cổ phiếu lên tới 25% của Đức. Để trả công, Pháp đã tặng lại cho ông 5%.

5% đó là một phần trong tổng doanh thu từ dầu mỏ được tìm thấy ở nơi mà sau này được gọi là Iraq. Giao dịch này kéo dài hàng thập kỷ, cho đến tận khi Calouste qua đời vào năm 1955. Nhờ đó, ông đã thu về hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD trong lúc còn sống.

Sự tồn tại của TPC đã chấm dứt vào 12/12/1961, khi chính phủ Iraq ban hành Bộ luật số 80. Họ thu hồi 99,5% giấy phép khai thác dầu khí trên cả nước, quốc hữu hóa các mỏ dầu và chấm dứt hoạt động kinh doanh dầu khí tư nhân trong khu vực.

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình! - Ảnh 4.

(Ảnh: Investopedia)

***

Calouste Gulbenkian qua đời vào ngày 20/7/1955, hưởng thọ 86 tuổi. Ông dành phần lớn thời gian sống tại dinh thự lớn ở Lisbon (Bồ Đào Nha) và phòng suite cao cấp ở khách sạn Ritz, Paris (Pháp).

Số tiền mà vị doanh nhân này kiếm được từ giao dịch với TPC giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh. Ở thời điểm đó, khối tài sản của Calouste có giá trị lên tới 800 triệu USD (tương đương 9 tỷ USD hiện tại). Ông dùng phần lớn số tiền này để thành lập Quỹ Calouste Gulbenkian.

Tính đến năm 2021, Quỹ Calouste Gulbenkian đang quản lý khối tài sản trị giá 4 tỷ USD. Nó lọt vào top 40 tổ chức từ thiện giàu có nhất thế giới, nhiều tương đương Quỹ Bloomberg và Quỹ Rockefeller.

Kỹ sư vô danh lọt top những người giàu nhất thế giới dù chỉ sở hữu 5% sản lượng “vàng đen” ở Iraq: Coi dầu mỏ như người tình! - Ảnh 5.

Bảo tàng Calouste Gulbenkian là nơi trưng bày vô số tác phẩm nghệ thuật đắt giá (Ảnh: Calouste Gulbenkian Museum)

Calouste còn để lại một trong những bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân giá trị nhất thế giới. Bộ sưu tập này đang được trưng bày tại Bảo tàng Calouste Gulbenkian ở Lisbon (Bồ Đào Nha), dưới sự giám sát của quỹ từ thiện mang tên ông.

Bảo tàng có nhiều tác phẩm của các danh họa nổi tiếng như Renoir, Rembrandt, Degas, và Rodin. Ngoài ra, nơi đây cũng trưng bày một trong những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng nhất đến từ Trung Đông, Trung Quốc và Nhật Bản.

(Theo CNW)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm