3 tháng "không điện, không đường, không nhà, không có người" dọn hồ làm thủy điện
Vào đầu tháng 4.1981, nhóm bạn học chúng tôi gồm 4 người nhận nhiệm vụ đi "phá rừng". Chúng tôi mua sắm dụng cụ, chuẩn bị sẵn gạo, mắm, đồ khô vì phải ở lại trong rừng 3 - 4 tháng. Đến ngày lên đường, chiếc máy cày kéo rơ-móc đưa chúng tôi xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, tiếp tục qua phà vượt một nhánh rẽ sông Đồng Nai, sau đó tiếp tục đi bộ hơn 1 giờ để tới được hiện trường là một khu rừng còn gần như nguyên vẹn sau chiến tranh. Việc đầu tiên là dựng lán trại gần một dòng suối để có chỗ ăn nghỉ, sau đó nhanh chóng bắt tay vào công việc. Hằng ngày, công việc của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm, chỉ nghỉ khi trời vừa tắt nắng. Chúng tôi cũng thích ứng nhanh với cuộc sống với 4 không: không điện, không đường, không nhà, không có người...
Hơn 3 tháng qua nhanh, chúng tôi hoàn thành khối lượng, bàn giao lại khu đất có độ dốc hướng về dòng suối tương đối bằng phẳng đã đốn hạ, phát quang, gom dọn để có mặt bằng chuẩn bị trồng các loại cây ngắn ngày sau này, chủ yếu là trồng mía. Bữa cơm chiều sau khi nghiệm thu công việc, chúng tôi mới biết rõ hơn lý do vì sao được phép "phá rừng" để có đất trồng cây, hoa màu dù thời gian không dài. Bởi vì chỉ trong vài năm tới, theo chủ trương, nơi đây sẽ là lòng hồ của công trình thủy điện Trị An - một dự án trọng điểm quốc gia, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh, phục vụ nhu cầu dân sinh thiết thực cho các tỉnh phía nam sẽ được khởi công xây dựng.

Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số của ngành điện miền Nam giúp giảm chi phí, gia tăng tiện dụng, lợi ích cho ngành cũng như người dùng điện
ẢNH: EVNSPC
Chúng tôi hiểu, tương lai khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, khu vực được "dọn dẹp" mặt bằng này sẽ chìm sâu trong lòng hồ rộng lớn. Việc chúng tôi đã làm ngoài tận thu cây rừng, có đất sản xuất nông nghiệp tạm thời, quan trọng là góp phần dọn sạch hữu cơ, làm sạch môi trường của lòng hồ.
Sau này qua tìm hiểu từ các tài liệu, tôi được biết ngày 30.4.1984, công trình thủy điện này đã được khởi công nổ mìn, mở móng đập tràn; ngày 10.5.1985 đổ khối bê tông đầu tiên đập tràn; đến ngày 12.1.1987 ngăn sông Đồng Nai. Tổ máy đầu tiên được đưa vào vận hành chính thức ngày 30.4.1988 và vận hành chính thức cả 4 tổ máy vào tháng 9.1989.
Làm tiền đề cho những dự án điện ở phía nam
Tôi chợt nhớ ca khúc Trị An âm vang mùa xuân của nhạc sỹ Tôn Thất Lập: "Dòng điện thắp lên… sáng cho ngày mai… dòng điện âm vang từ triệu con tim dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc, dòng điện mê say gọi ngày tương lai…tình người trong ta, tình người bao la dòng điện trong ta gọi đời bay xa..." 40 năm đã trôi qua, dù không trực tiếp xây công trình, cũng không phải là người công tác trong ngành điện lực nhưng với Nhà máy thủy điện Trị An nói riêng, ngành điện lực miền Nam sau này nói chung, tôi luôn quan tâm, dõi theo, nhận thấy những bước chuyển mình không ngừng lớn mạnh, với tôi đã thắp sáng niềm tin lẫn niềm tự hào…
Cũng như các địa phương trong cả nước, với các tỉnh thành phía nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), sản lượng điện thấp, hệ thống lưới điện còn nghèo nàn, nhiều vùng chưa được cung cấp điện, một giai đoạn 1976 - 1986 đầy khó khăn thiếu thốn của nền kinh tế nói chung và ngành điện lực đóng vai trò quan trọng nói riêng. Việc tổ chức, quản lý, vận hành trong bối cảnh nguồn điện luôn thiếu thốn, các trạm trung gian luôn quá tải, để đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, một bài toán quá khó đã đặt ra và đang tìm lời giải cho ngành điện lực…
Sau năm 1986, đất nước bước qua thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế, định hướng nền kinh tế thị trường thì ngành điện lực miền Nam như đi trước, kịp thời nắm bắt, tự chuyển mình để phát triển không ngừng tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Với việc khởi công xây dựng và hoàn thành Nhà máy thủy điện Trị An công suất 400 MW, sản lượng điện hàng năm 1,7 tỉ kWh, đáp án tối ưu nhu cầu lúc bấy giờ và cũng là tiền đề, kinh nghiệm quý báu của ngành điện cho việc xây dựng nhiều nhà máy phát điện sau này. Có thể kể đến Tổ hợp nhà máy nhiệt điện ở Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 và 2 Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Ô Môn Cần Thơ, và nhiều các trạm biến áp 110kV cùng hệ thống đường dây truyền tải đã được đầu tư, lắp đặt mới ở các tỉnh thành cùng với các giải pháp, các công nghệ tiên tiến, hiện đại được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn của hệ thống lưới điện.
Điển hình những năm gần đây, tất cả các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều được lắp đặt hệ thống Scada, camera giám sát an ninh và phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng cho việc triển khai trạm biến áp tự động, không cần người trực trong tương lai mà Báo Thanh Niên đã có đưa các tin, bài liên quan. Những năm gần đây việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số cũng được nhiều người đánh giá ngành điện triển khai nhanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng cụ thể là việc quản lý, ghi báo số tiêu thụ và thu nộp tiền điện.
50 một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay. Ngành điện lực miền Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vượt lên từ khó khăn, thử thách để không ngừng phát triển nhờ vào quyết tâm, nỗ lực, cống hiến liên tục của các thế hệ lãnh đạo; đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động của ngành điện lực phía nam. Mục đích lớn lao nhất là cung cấp điện đầy đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, phục vụ đời sống người dân.
Điển hình nhất nguồn điện đã cung ứng kịp thời để công nghiệp, nông nghiệp đã phát triển nhảy vọt, diện mạo các thành phố, thị trấn, nông thôn được thay áo mới, đời sống vật chất tinh thần người dân ở các tỉnh thành phía nam đã được nâng cao và không ngừng cải thiện.
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.