Phiên giao dịch ngày 18/8 gây bất ngờ giới đầu tư với đà giảm mạnh nhất 15 tháng trở lại đây. Giữa lúc thị trường rơi mạnh, bảng giá một số công ty chứng khoán ghi nhận lỗi, không hiển thị đúng mức giảm và điểm số của VN-Index, khiến nhiều người càng trở nên bất an. Kết phiên, VN-Index mất hơn 55 điểm rơi về mức 1.177,99 điểm, trong đó VN30 giảm tới gần 61 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu bằng mọi giá khiến cho hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn. Trên HOSE, có 148 cổ phiếu giảm sàn, HNX có 52 mã cổ phiếu giảm sàn và UpCoM có 46 cổ phiếu giảm sàn. Tổng ba sàn có tới 240 cổ phiếu giảm sàn trong phiên giao dịch hôm nay.
Với phiên chỉnh mạnh, vốn hóa sàn HoSE mất 222.000 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 4,7 triệu tỷ đồng
Đáng nói, nhà đầu tư ồ ạt chen lấn bán ra đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt gần 1,65 tỷ cổ phiếu, thiết lập kỷ lục về số lượng cổ phiếu giao dịch một phiên trong suốt hơn 23 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam . Xét theo giá trị, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE đạt 36.000 tỷ đồng (1,5 tỷ USD).
Tính riêng theo từng mã cổ phiếu, cổ phiếu Novaland (NVL) dẫn đầu về khối lượng với hơn 70 triệu đơn vị được sang tay, giá trị tương ứng gần 1.400 tỷ đồng. DIG xếp ngay sau với hơn 48 triệu đơn vị được khớp lệnh, VND, DXG, BCG, VIX, VCG, HPG, SSI, STB đồng loạt ghi nhận khối lượng giao dịch vượt mức 30 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Vingroup đứng đầu về giá trị giao dịch với xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, tương đương 26 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên.
Đặc điểm chung của hầu hết cổ phiếu này đều là áp lực bán giảm sâu khiến thị giá nằm sàn, VIC giảm 7% xuống 66.900 đồng/cp, NVL còn 19.250 đồng/cp, DIG đạt 25.900 đồng/cp, DXG, VCG, VIX đồng loạt đóng cửa “xanh lơ”. Việc những trụ cột như VIC giảm hết biên độ cũng là nguyên nhân khiến thị trường mất trụ đỡ, đà rơi càng thêm nhanh.
Trong phiên thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng hiếm hoi khi mua ròng, giá trị xấp xỉ 460 tỷ đồng, trong đó giá trị mua vào xấp xỉ 2.600 tỷ đồng.
Hầu hết các phiên kỷ lục về thanh khoản gần đây đều đi kèm với những "cú rơi" mạnh của thị trường. Nhiều nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu rồi lại lao vào nhằm bắt đáy những mã giảm sàn khiến tần suất giao dịch bị đẩy lên nhanh chóng cũng là nguyên nhân đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, nhà đầu tư không nên mua mới trong ngắn hạn. Một khi thị trường đã chỉnh mạnh, quán tính để tiếp tục điều chỉnh là cao, vì vậy không nên tham gia các trò chơi “bắt dao rơi” mạo hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ cơ hội.
Theo ông Hiệp, thị trường điều chỉnh không hẳn lúc nào cũng xấu. Với tỷ trọng tiền mặt lớn, nhà đầu tư có thể chờ đợi các điểm cân bằng của thị trường để giải ngân mua thêm các cổ phiếu giá rẻ để đầu tư dài hạn.