Tài chính

Kính thực tế ảo giá 1.500 USD: Viên gạch tiếp theo trong giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), công ty mẹ của Facebook là Meta mới đây đã trình làng sản phẩm kính thực tế ảo (VR) đời mới mang tên Quest Pro sau những ồn ào quanh chiến lược chuyển hướng đầu tư vũ trụ ảo của nhà sáng lập Mark Zuckerberg.

Thông báo của Meta cho thấy thiết bị này có giá khoảng 1.500 USD, cao gấp 4 lần so với sản phẩm rẻ nhất của hãng là Quest 2, và hãng đã cộng tác với cả Microsoft lẫn Zoom để đảm bảo chiếc kính thực tế ảo này phù hợp cho các công việc văn phòng.

Kính thực tế ảo giá 1.500 USD: Viên gạch tiếp theo trong giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg - Ảnh 1.

“Để những chiếc kính thực tế ảo thực sự khai thác hết được tiềm năng thì chúng ta cần tiếp cận 200 triệu khách hàng mua máy tính cá nhân mỗi năm, qua đó giúp họ làm việc hay những thứ khác với hiệu năng tốt hơn trên môi trường vũ trụ ảo”, CEO Mark Zuckerberg tuyên bố.

Tờ WSJ nhận định sản phẩm mới của nhà Meta mỏng hơn phiên bản cũ với các cải tiến về công nghệ theo dõi cử động lẫn biểu cảm trên mặt của người dùng. Kính Quest Pro sử dụng chip Snapdragon XR2 của Qualcomm chuyên được thiết kế cho dòng sản phẩm này.

Với các cải tiến trên, kính VR được quảng cáo là có thể đọc được những dòng chữ nhỏ, theo dõi từng cử động của ánh mắt hay khuôn mặt, qua đó giúp bạn biểu cảm trên vũ trụ ảo khi tương tác.

Rõ ràng, với mức giá cực cao cùng như những cải tiến cả về công nghệ lẫn thiết kế, Meta đang nhắm đến tầng lớp doanh nhân hoặc những người đam mê vũ trụ ảo.

Đặt cược

Theo WSJ, sản phẩm Quest Pro là một bước tiến quan trọng của Meta cũng như nhà sáng lập Mark Zuckerberg sau khi tốn hàng năm trời và nhiều tỷ USD cho vũ trụ ảo với hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ chuyển qua công nghệ mới.

Bước đi này của Mark Zuckerberg đang tạo nên sóng ngầm tại Meta khi bộ phận phát triển kính VR, Reality Labs vẫn chỉ là một doanh nghiệp con nhỏ bé so với các mảng kiếm lợi lớn cho hãng như Facebook hay Instagram.

Tuy nhiên, Reality Labs lại tốn khá nhiều ngân sách của công ty trong khi các nhân viên lại đang than phiền về chính sách đãi ngộ không còn như trước, ngân sách cho nhiều dự án bị cắt giảm và thậm chí là còn khả năng sa thải bớt lao động.

Kính thực tế ảo giá 1.500 USD: Viên gạch tiếp theo trong giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg - Ảnh 2.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022, Meta cho biết họ đã tốn đến 2,8 tỷ USD cho riêng Reality Labs.

Sự trình làng của Quest Pro cũng cho thấy giờ đây Facebook đang tập trung hơn cho người dùng VR cũng như các chiến lược để quảng bá, khuyến khích người dân đến với vũ trụ ảo thay vì đầu tư cho mạng xã hội.

Câu chuyện cũng khá dễ hiểu khi Facebook gặp nhiều khó khăn, từ việc bị Apple điều chỉnh chính sách theo dõi người dùng cho đến cạnh tranh từ Tiktok hay các cuộc tranh cãi pháp lý về nội dung, quyền riêng tư...

Với việc Facebook và Instagram mất dần sức hút dù vẫn là ông lớn, CEO Mark Zuckerberg hiểu rõ ràng mình cần phải tìm kiếm nguồn thu mới và vũ trụ ảo là lựa chọn đó.

Tuy vậy, tờ WSJ cho biết vẫn chưa rõ liệu đến bao giờ thì giấc mơ vũ trụ ảo của nhà sáng lập Facebook mới thành hiện thực kể từ khi Mark Zuckerberg thành lập công ty mẹ Meta vào năm 2021. Hiện tập đoàn này là hãng dẫn đầu về công nghệ kính thực tế ảo nhưng thị trường của chúng vẫn quá nhỏ bé, thậm chí còn chẳng nhiều người dùng bằng thị trường trò chơi điện tử.

Từ khi phát triển dòng sản phẩm kính thực tế ảo, Meta chưa từng công bố doanh số bán của mặt hàng này. Tuy nhiên báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 cho thấy doanh thu của Reality Labs, bao gồm cả sản phẩm Quest 2, đã đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những điểm khiến người dùng chú ý là việc Meta cộng tác với Microsoft để phát triển kính VR. Phía Facebook tuyên bố sẽ cộng tác với Microsoft để cùng làm việc với đội ngũ Windows 365 để phát triển sản phẩm vào năm tới.

Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể kết nối kính VR của Meta với máy tính để thực hiện các cuộc họp trực tuyến.

Kính thực tế ảo giá 1.500 USD: Viên gạch tiếp theo trong giấc mơ vũ trụ ảo của Mark Zuckerberg - Ảnh 3.

Bản thân Microsoft đã phát triển kính VR của riêng mình mang tên HoloLens 2 với giá khởi điểm 3.500 USD.

Bên cạnh Microsoft, Meta còn kỳ vọng người dùng Quest Pro có thể họp trực tuyến qua Zoom trên nền tảng vũ trụ ảo Horizon Workrooms của hãng vào đầu năm 2023.

“Bạn sẽ có thể sử dụng mô hình nhân vật ảo của bản thân cũng như những vật phẩm, dịch vụ trên vũ trụ ảo ở bất cứ nơi nào bạn đến”, CEO Mark Zuckerberg tin tưởng.

*Nguồn: WSJ

Cùng chuyên mục

Đọc thêm