Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết (như phương án xử lý các ngân hàng; nhóm 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn...; dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Hồ thủy lợi Bản Mồng).
Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo mới đây, chỉ số "Chất lượng sống" của Việt Nam đạt 78,49 điểm, xếp vị trí 62/165 các quốc gia trên bảng xếp hạng, tăng 39 bậc chỉ sau 1 năm. Việt Nam vừa được bầu là thành viên Ủy ban Liên Chính phủ - cơ chế điều hành, giám sát việc thực hiện Công ước 2003 - nhiệm kỳ 2022-2026 của UNESCO, với số phiếu cao.
Đối với công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc điều hành tế vĩ mô vừa qua rất quan tâm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, sát tình hình, kịp thời, phù hợp, như vấn đề giá cả, nguồn cung xăng dầu, thịt lợn…
Với lĩnh vực y tế và giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế đã cơ bản giải quyết được một bước; sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.
Về lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022 đã lập kỷ lục mới về các khoản hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; tới tháng 7, đã gia hạn các khoản thuế trị giá khoảng 43.000 tỷ, miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 46.000 tỷ, vượt qua số tiền gia hạn, miễn giảm trong các năm 2020 và năm 2021.
"4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".
Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.
Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...
Bên cạnh đó đời sống một bộ phận người dân khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiệt hại do thiên tai tăng, tổng giá trị thiệt hại 5.624,5 tỷ đồng (gấp 7,3 lần cùng kỳ năm 2021). Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".
Theo đó, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. Việc tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả rất có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ hiện nay.
Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân cùng với tăng cường phòng chống tăng cường tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công và công tác quy hoạch.
Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không là không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà luôn chủ động, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.