Thời sự

Kinh tế Việt Nam chờ Fed và các ngân hàng trung ương các nước lần cuối tăng lãi suất

Fed sẽ tiếp tục mạnh tay trong cuộc chiến chống lạm phát, tăng lãi suất thêm lần nữa vào tháng 9 hay tạm thời dừng lại và duy trì mức lãi suất như hiện tại? Câu trả lời có thể phần nào đoán định được thông qua bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole, diễn ra vào ngày mai 25/8.

Kể từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã có 11 lần tăng lãi suất nhằm hạ lạm phát về mức mục tiêu 2%. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 5,25-5,5% - cao nhất kể từ năm 2001. Lạm phát tháng 7 đã hạ từ mức cao 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 3,2% vào tháng 7.

 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ họp vào tháng 9 tới đây và để ngỏ khả năng có thể nâng lãi suất thêm 0,25% khi lạm phát EU vẫn ở mức cao. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định khả năng đợt tăng lãi suất trong tháng 9 cũng là lần cuối cùng ECB thắt chặt chính sách nhằm tránh làm tổn thương hơn nữa các nền kinh tế thành viên, vốn đang vật lộn để tăng trưởng.

Giữa làn sóng tăng lãi suất của các nước phát triển, Việt Nam bất ngờ đảo ngược chính sách thắt chặt vào hồi đầu tháng 4 và từ đó đến nay đã có thêm ba đợt giảm lãi suất điều hành.

Giới chuyên gia nhận định sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất nữa trong quý III nhằm mục tiêu đang được ưu tiên hơn cả là phục hồi kinh tế. Hơn nữa, lạm phát được kiểm soát và tỷ giá vẫn ổn định sau 4 lần giảm lãi suất liên tiếp của NHNN và 4 lần Fed tăng lãi suất sẽ hỗ trợ đáng kể cho định hướng duy trì chu kỳ nới lỏng của nhà điều hành.

Tuy nhiên việc tỷ giá bất ngờ vượt lên 24.000 đồng - cao nhất trong 8 tháng vào đầu tuần trước và sau đó có ba phiên tăng liên tiếp trước khi quay đầu giảm dấy lên lo ngại tỷ giá căng thẳng trở lại, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam và Mỹ đang đối nghịch nhau.

Mặc dù biến động tỷ giá vừa qua được đánh giá chỉ mang tính ngắn hạn, áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm hiện hữu khá rõ ràng.

 

Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cảnh báo vấn đề về tỷ giá cần được theo dõi kỹ trở lại sau nửa năm thị trường ngoại hối ổn định và rủi ro lớn nhất với nhà điều hành hiện nay là Việt Nam đang đi ngược với chính sách toàn cầu. “Việt Nam đang trong giai đoạn chờ đợi sự đảo chiều chính sách từ phía các nước phát triển. Kỳ vọng sự đảo ngược chính sách này sẽ diễn ra vào 4 tháng cuối năm 2023 để Việt Nam có nhiều không gian thuận lợi trong việc tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng hiện tại”, ông nói.

Trước đó hồi cuối năm 2022, ông Báu đề cập đến việc Việt Nam khó có thể độc lập chính sách với Fed, chấp nhận tăng lãi suất theo Fed để kiểm soát tỷ giá. Theo ông thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ khi đó liên quan đến lý thuyết “bộ ba bất khả thi”, theo đó, một quốc gia không thể thực hiện đồng thời việc giữ tỷ giá ổn định, chính sách tiền tệ độc lập và tự do lưu chuyển vốn.  

Quay trở lại câu chuyện của Fed, hiện thị trường vẫn đang nghiêng về nhận định Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong phần còn lại của năm 2023. Theo dự báo của ông Trần Văn Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, NHNN đang thận trọng hơn về thời điểm đưa ra quyết định hạ lãi suất.

“Kịch bản giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhiều khả năng xảy ra do Việt Nam vẫn đang trong xu hướng nới lỏng tiền tệ ít nhất là từ nay đến cuối năm, nhưng NHNN sẽ chờ sau cuộc họp tháng 9 tới đây của Fed mới đưa ra quyết định. Trong trường hợp Fed ra tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất tiếp, khi đó NHNN mới phải cân nhắc lựa chọn thắt chặt hay nới lỏng nhưng khả năng này ít xảy ra do Fed đang ở chặng cuối của chu kỳ thắt chặt”, ông Tánh cho hay.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm