Trong chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2 - Số 02, chủ đề "Ngày đòi nợ" được lấy theo tên của cuốn sách bán chạy nhất New York Times "Payback Time".
Tác giả Phil Town đã sử dụng những ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và lồng ghép những ví dụ thực tế giúp cho người đọc tiếp cận với những kiến thức về đầu tư chứng khoán một cách dễ dàng. Nội dung sách đề cao áp dụng hệ thống đầu tư chuẩn mực để nhà đầu tư “lấy lại số tiền đã mất” và đòi lại được món nợ trên thị trường.
Với chủ đề như vậy, chương trình đã khắc hoạ vừa hiện thực, vừa cả những bình luận, góc nhìn, tô điểm rõ nét hơn mọi diễn biến xoay quanh câu chuyện đang nóng nhất hiện nay trên thị trường: nợ và đòi nợ. Trong đó, yếu tố rủi ro và làm sao để kiểm soát rủi ro luôn được lưu tâm hàng đầu.
Chia sẻ tại trường quay Bí mật đồng tiền, anh Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh Onemount Real Estate, cho biết: "Năm ngoái, chắc hẳn rất nhiều người đã nhận được những bài học nhớ cả đời về kiểm soát rủi ro."
Cá nhân anh nhận định, có 3 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là thời điểm; thứ hai là phân khúc (với lĩnh vực bất động sản), hoặc mã hoặc doanh nghiệp (với đầu tư chứng khoán); cuối cùng là sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc dòng tiền một cách hợp lý. Nếu bỏ quên dù chỉ 1 trong 3 yếu tố này thì sự rủi ro vẫn sẽ xảy ra.
Với một số nhà đầu tư, họ không hiểu về khẩu vị rủi ro mà chỉ tập trung vào "cơn đói lãi". Trước tình trạng này, Host Ngọc Trinh đặt vấn đề: "Có giải pháp nào để họ kiểm soát rủi ro tốt hơn khi tham gia hoạt động margin?"
Anh Nam đã có một tiết lộ rất đặc biệt khi lấy trải nghiệm của chính bản thân ra “mổ xẻ”. Anh cho biết: “Trước kia, từng có thời điểm mà tôi thường xuyên áp dụng 1 nguyên tắc để quản trị margin. Đó là luôn dùng tỷ lệ cao nhất có thể. Khi đó, mỗi một lần xảy ra biến động không đúng ý, tôi lập tức nhận được cảnh báo từ công ty chứng khoán, yêu cầu phải ‘thoát’ ngay. Khi đó, mình biết rõ bản thân đã sai rồi, phải xử lý bán ngay, cắt nhanh, không được để tình trạng xấu kéo dài.
Trong nhiều trường hợp, người ta sử dụng margin với tỷ lệ thấp thường có xu hướng ‘mặc kệ’, cho rằng chưa phải lúc nguy nan. Nhưng đợi đến khi giá trị cổ phiếu đi xuống sâu, mọi thứ đã rất ảnh hưởng.”
Anh cũng cho biết, đây là kinh nghiệm cá nhân, phù hợp với thời điểm đó. Nếu mọi người áp dụng thì cần cẩn thận và cân nhắc kỹ lưỡng xem có còn thích hợp hay không.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Mr. X30 nhấn mạnh chính là: Hãy hiểu mình đang làm gì? Biết mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận là bao nhiêu? Bạn có thể chịu được khoản lỗ bao nhiêu: 200 trăm triệu, 300 trăm triệu, hay là 1 tỷ?
Hãy tưởng tượng một cây cầu có khả năng chịu tải 1 tấn. Nếu bạn cứ để xe 5 tấn chạy qua thì sập cầu là điều rất dễ xảy ra.
“Đó là điều mà bản thân bạn phải làm rõ”, anh nhận định.