Chắc hẳn, mỗi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã quá quen với lời khuyên “Hãy gạt bỏ cảm xúc khi đầu tư” hay đưa cảm xúc vào đầu tư là rất tai hại. Những lời khuyên đó rất đúng nhưng thực tế, việc gạt bỏ cảm xúc ra khỏi tâm trí là điều vô cùng khó, ngay cả với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhiều người còn cho rằng nếu cần cảm xúc hãy từ bỏ chứng khoán và đến với khung giờ từ 18h15 đến 18h30, khung giờ quen thuộc của các anh chị em đam mê xổ số, lô tô.
Chia sẻ trong chương trình "Bí mật đồng tiền", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI cho biết nếu đầu tư theo đúng quan điểm này, chính chúng ta đang coi chứng khoán là sòng bạc. Thực ra sòng bạc này chỉ khác về quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận, tỷ lệ của nó rất khác.
Trên thực tế, chứng khoán có rất nhiều công cụ để có thể đánh giá được cơ sở đầu tư, đâu là mã cổ phiếu nên mua và đâu là thời điểm để ra vào. Chứng khoán là một kênh đầu tư mang tính khoa học chứ không phải may rủi.
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động mạnh, gặp không ít khó khăn và thử thách. VN-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 20% và nằm trong top chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất thế giới, theo trang Stockq. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc, thậm chí nhiều mã đã mất trên 60% khiến các nhà đầu tư "toát mồ hôi".
Những cái tên giảm mạnh nhất thuộc nhóm ngành liên quan đến chứng khoán, ngân hàng, hay thép, cao su với tỷ lệ mất giá từ 36 đến 59%.
Tuy nhiên bất chấp áp lực điều chỉnh từ thị trường chung, nhiều cổ phiếu "hoa hậu" vẫn có mức tăng tốt như DGC tăng hơn 58%, REE tăng 45%, PNJ của Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận tăng khoảng 35%, BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn tăng 32,6%, GAS tăng hơn 20% và FPT tăng hơn 12%. Điều này cũng cho thấy thị trường trong nửa đầu năm là khó nhưng cơ hội vẫn có với những ai biết chọn lọc.
Ông Nguyễn Huy Hà, Giám đốc kinh doanh, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết cơ hội hiện nay với cá nhân ông đang thiên về các nhóm cổ phiếu bị giảm nhiều. "Tôi muốn phân tích sự thay đổi trong nội tại của từng doanh nghiệp, qua đó xem xét những thay đổi đó sẽ tác động thế nào đến tương lai của doanh nghiệp".
Ví dụ như nhóm chứng khoán, lúc này về mặt thị trường đang rất ảm đạm. Nhưng nếu xét đến khía cạnh nó chiết khấu sâu chưa, giá cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn, cụ thể đã đến chân của "cây thông" trước đó chưa thì nếu chọn lọc thật kỹ, vẫn sẽ có những cơ hội với ngành này
Hay như nhóm thép, để nhìn nhận cơ hội ta phải định giá đúng, cần đặt câu hỏi khả năng trong dài hạn mức độ tăng trưởng có duy trì được không và có tăng hơn so với khi những thông tin tiêu cực xảy ra không. Ví dụ ngành thép đang bị vấn đề liên quan tới giá cả hàng hóa, vậy khi nào dừng sẽ là điểm chững và ta có thể xem xét mua.
Theo ông Hà, có ba yếu tố quan trọng làm nên một bộ lọc cơ bản nhất. Yếu tố đầu tiên là doanh nghiệp, phân tích doanh nghiệp ta phải đánh giá được lãnh đạo là ai, kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ là những điều cơ bản. Yếu tố thứ hai là phần chiết khấu về giá đang ở mức độ nào. Nếu mức độ chiết khấu giá quá lớn ví dụ như các rủi ro lớn trên thị trường, đó là một tiêu chí cơ hội.
Yếu tố thứ ba là các thông tin xung quanh về kế hoạch làm việc, kế hoạch mở rộng kinh doanh ở mức độ nào.
Còn theo Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, nửa đầu năm đã hết nhưng nửa cuối năm cũng chưa chắc có một sự đảo ngược hoàn toàn để thành 6 tháng tốt đẹp được ngay.
"Có một khả năng rất lớn nhóm các cổ phiếu winner (có lãi) sẽ nằm trong nhóm loser (thua lỗ) của nửa đầu năm. Nếu như ta chọn lọc tốt các cổ phiếu có khả năng, thì những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nửa đầu năm sẽ có mức tăng tốt nhất trong nửa cuối năm. Tuy vậy để trả lời câu hỏi ngành nào đáng đầu tư và chưa đáng đầu tư, cần phải chờ đợi các báo cáo được gửi ra."
Theo ông Hưng, triển vọng của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Nếu nhà đầu tư mua được mã cổ phiếu của doanh nghiệp sắp phá sản với một mức giá rất hấp dẫn, cuối cùng vẫn không được gì.