Chiều 29/6, UBND TP HCM tổ chức phiên họp kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thành phố có nhiều chuyển biến khởi sắc, đặc biệt là doanh thu bán lẻ, dịch vụ, du lịch
Nhiều lĩnh vực phục hồi tốt
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP.
Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố tăng 4,92%, đóng góp 80,6% vào tốc độ tăng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 561.734 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 80.833 tỷ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp, xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn và chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ và đóng góp tương ứng 5,1% vào tốc độ tăng GRDP. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,2%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong số đó, ngành hóa dược tăng 14,7%; ngành cơ khí tăng 5,6%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,5%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 5,7%.
Trong nửa đầu năm, TP HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 68.490 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là gần 15.000 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là hơn 53.490 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao (hơn 68.490 tỷ đồng). Nửa đầu năm thành phố đã khởi công các dự án lớn, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng như dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; vành đai 3; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; khánh thành bệnh viện Ung bướu cơ sở 2...
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có 22.463 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký mới là 207.769 tỷ đồng, tăng 7,7% về số lượng và giảm 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 66.067 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, tăng 58,1% so với cùng kỳ, vốn đăng ký bổ sung là 240.611 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong 6 tháng đầu năm 2023 là 448.380 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp trên hệ thống hiện tại là 537.108 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 11.040,598 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước 6 tháng đầu năm thành phố thu hút được khoảng 1,39 tỷ USD, giảm 37,1% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2023 kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bị mất đà tăng trưởng do xung đột Nga – Ukraine leo thang kéo dài, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng... tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, thu ngân sách bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ chỗ tăng trưởng quý I/2023 chỉ đạt 0,7%, sang quý II đã vươn lên đạt 5,87%, đưa mức tăng trưởng chung 6 tháng đạt 3,55%.
Mức tăng này tuy còn khiêm tốn nhưng phản ánh kết quả những cố gắng của chính quyền thành phố trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo phân tích của ông Nguyễn Khắc Hoàng, việc giảm lãi suất điều hành và nới lỏng chính sách tiền tệ thời gian qua đang phát huy tác dụng, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng ổn định 8,01% so với cùng kỳ, lạm phát hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng 69,1%; số vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp gấp 3,6 lần so với cùng kỳ.
Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 30,7% so với cùng kỳ, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng lựa chọn môi trường đầu tư của TP HCM. Những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có khả năng chuyển đổi số kịp thời, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định. Hoạt động lưu trú, ăn uống và thương mại điện tử phát triển, khách du lịch quay trở lại.
Vẫn nhiều thách thức
Mặc dù tăng trưởng kinh tế quý II/2023 đạt mức tăng trưởng khá đã kéo mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên đáng kể, tuy nhiên theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, nửa cuối năm kinh tế thành phố vẫn còn nhiều thách thức.
Cụ thể, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, thị trường bất động sản, thị trường tài chính chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TP HCM bị ảnh hưởng;đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Trong bối cảnh chung đó, ngành công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhất là sản xuất sản phẩm điện tử.
Một số chỉ số tăng trưởng trong nửa đầu năm chưa thật sự chất lượng như số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng, nhưng giảm về vốn đăng ký so với cùng kỳ (giảm 19%); thu hút đầu tư FDI giảm mạnh (giảm 37,1%).
Việc giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với chỉ tiêu. Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế vẫn khó khăn. Tuy doanh thu du lịch tăng cao so với cùng kỳ, các hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.
Cùng nhận định, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cho rằng, mặc dù kinh tế thành phố đang bắt đầu phục hồi, dịch vụ và du lịch, đầu tư công đã khởi sắc hơn so với quý I/2023 nhưng nửa cuối năm 2023 vẫn đối mặt nhiều thách thức hơn. Theo đó, tình hình quốc tế vẫn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu vẫn rất khó khăn; tình hình thanh khoản kém, nhu cầu tín dụng giảm, bất động sản phục hồi chậm, doanh nghiệp và người lao động vẫn khó khăn. Khả năng thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm (7,5-8%) là rất khó.
Theo ông Phạm Bình An, để ứng phó với các thách thức trên, TP HCM cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: nhanh chóng triển khai Nghị quyết 98 2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM vừa được thông qua; đẩy nhanh tốc độ quy hoạch, thúc đẩy quyết liệt đầu tư công, phân cấp cho các quận huyện…
Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, kích cầu liên kết du lịch với thương mại, mở rộng tín dụng tiêu dùng, tạo khu vực mua sắm tiêu dùng mới như kinh tế đêm, kinh tế trên sông…
Song song đó, chính quyền thành phố phục hồi niềm tin của doanh nghiệp thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, các chương trình kích cầu, giảm chi phí, các quỹ tài trợ cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, thành phố cũng cần chuẩn bị các kịch bản an sinh xã hội cho người lao động trong trường hợp các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động do khó khăn về đơn hàng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, kinh tế TP HCM quý II có cải thiện về nhiều mặt nhưng tính chung tăng trưởng 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với mục tiêu chung của cả năm.
Theo đó, nếu nửa cuối năm thuận lợi và đạt mức tăng trưởng tốt hơn thì tăng trưởng cả năm của TP HCM cũng chỉ tiệm cận mục tiêu đề ra ở mức 7%. Trong nửa cuối năm, các sở, ngành cần tập trung thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng là đầu tư công, mua sắm công, kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, các quận, huyện cần rà soát các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân vốn tốt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Các đơn vị chủ động mua sắm thiết bị không nằm trong danh mục mua sắm tập trung, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc. Các Sở Công Thương, Sở Du lịch nắm bắt cơ hội triển khai chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng mua sắm gắn với đà phục hồi du lịch.
Theo ông Phan Văn Mãi, thành phố sẽ có hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu về chi phí hàng tồn kho, xúc tiến mở rộng thị trường, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Đồng thời, các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhóm doanh nghiệp đã có kiến nghị cụ thể; trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, đề nghị cơ quan thuế hoàn thuế nhanh hơn, thủ tục đơn giản hơn để giải quyết dòng tiền cho doanh nghiệp. Thành phố cũng sẽ khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về đăng kiểm và thủ tục phòng cháy chữa cháy…
“Với việc Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15, nhiều vướng mắc về cơ chế đã được tháo gỡ, vấn đề hiện nay là hành động của các sở, ngành. Do đó, các quận, huyện, đơn vị cần nhanh chóng quán triệt nội dung của nghị quyết đến từng cán bộ, công chức, sẵn sàng tâm thế bắt tay vào thực hiện các phần việc được giao nhằm phát huy tối đa các cơ chế đặc thù vào thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.