Dự án gặp nhiều khó khăn
Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng là doanh nghiệp dự án (DNDA) thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) (dự án), đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ven biển phía Bắc.
Doanh nghiệp dự án vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc cấp bách của dự án.
Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18-1-2010 và điều chỉnh tại quyết định số 2409/QĐ-TTg ngày 31-12-2015.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.759 tỉ đồng, thời gian thực hiện 25 năm 6 tháng theo hợp đồng BOT. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường huyết mạch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Bắc.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong các khâu huy động vốn và việc bổ sung, mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường sử dụng ngân sách địa phương dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế, tình hình đại dịch COVID-19 kéo dài, khan hiếm nguồn vật liệu thi công, giá các loại vật liệu chính biến động tăng mạnh, vướng mắc trong công tác bàn giao mặt bằng, điều kiện thực tế thi công, tuyển dụng và biến động chi phí nhân công tăng cao,…
Việc huy động vốn vay gặp nhiều khó khăn do chính sách siết chặt tín dụng đối với các dự án BOT của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, doanh nghiệp dự án mới ký kết hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong 1.000 tỉ đồng (khoảng 1/3 tổng vốn BOT), phần còn lại nhà đầu tư phải tự thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án.
Dự án gặp vướng mắc rất lớn do chênh lệch lãi suất vốn vay giữa thực tế và theo quy định tại hợp đồng BOT, khoảng (5 - 6)%/năm. Với mức chênh lệch này, dự án sẽ bị thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng. Việc này vượt quá khả năng cân đối tài chính và dẫn tới phá sản doanh nghiệp dự án.
Mặc dù tại hợp đồng BOT có quy định về việc khi xuất hiện tình huống lãi suất vay tín dụng và lãi suất quy định tại hợp đồng lớn hơn 1% thì các bên tiến hành thương thảo, đàm phán.
Kể từ khi ký kết hợp đồng BOT, UBND thành phố Hải Phòng đã luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã 2 lần gửi báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về điều chỉnh lãi suất vốn vay và nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đủ cơ sở để UBND thành phố Hải Phòng thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về điều chỉnh lãi suất vốn vay.
Ngoài ra, dự án (đoạn tuyến dài khoảng 24,5km, từ Km5+200 đến Km29+740) nằm trùng với tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) theo quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ, được bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 6-4-2023.
Mong sớm được hỗ trợ
Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình là một trong những công trình trọng điểm, có tính liên kết vùng, với ý nghĩa quan trọng về cả kinh tế lẫn quốc phòng - an ninh. Việc sớm đưa dự án vào khai thác là một trong những nhiệm vụ cấp bách cho nhà đầu tư và UBND thành phố Hải Phòng nói riêng, cũng như hệ thống mạng lưới giao thông của khu vực, đặc biệt là tuyến cao tốc CT.08, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước nói chung.
Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan liên quan, cùng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án.
Để tháo gỡ các "nút thắt" cấp bách này, doanh nghiệp dự án đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban ngành, với mong muốn có biện pháp giải quyết để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên.
Với những giải pháp cụ thể và thiện chí từ các bên liên quan, tin rằng các vướng mắc của dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình sẽ sớm được tháo gỡ. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để dự án được triển khai thuận lợi trong thời gian tới, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả đầu tư.
Từ đó, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng duyên hải Bắc Bộ, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương kêu gọi đầu tư xã hội hóa phát triển hạ tầng của Đảng và Nhà nước.