239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời kê khai, nộp thuế
Qua kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021 tại TPHCM, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV đã kiến nghị xử lý tài chính 3.294 tỷ đồng, gồm: Nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 361 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 2.376 tỷ đồng; giảm lỗ của doanh nghiệp 556 tỷ đồng; kiến nghị khác 1.737 tỷ đồng.
Cơ quan kiểm toán đánh giá, mặc dù trong điều kiện dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, thu NSNN của TPHCM vượt 09% dự toán Trung ương giao và dự toán HĐND TP thông qua, tăng 07% so với năm 2020.
Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 tại TPHCM, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã kiến nghị xử lý tài chính 3.294 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách, chi đầu tư xây dựng cơ bản của TPHCM. Đáng lưu ý, về tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, kết quả kiểm tra, đối chiếu 281 doanh nghiệp có: 239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế.
KTNN xác định và kiến nghị tăng thu NSNN 276,5 tỷ đồng, giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ 23,9 tỷ đồng, giảm số lỗ doanh nghiệp kê khai 556,6 tỷ đồng; 26 doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định. Ngoài ra, có 9 doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật KTNN, 2 doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Qua rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định số 92 Chính phủ, có 352 doanh nghiệp kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định, số thuế TNDN phải nộp bổ sung 7,7 tỷ đồng.
Nhiều bất cập chi thường xuyên
Cũng theo KTNN, công tác chi thường xuyên của TPHCM còn nhiều bất cập cần khắc phục. Cụ thể, trong lĩnh vực ngân sách, UBND quận là đơn vị dự toán trực thuộc UBND Thành phố dẫn đến tình trạng không đảm bảo kịp thời kinh phí thực hiện nhiệm vụ cấp bách, quốc phòng, an ninh, công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ đột xuất trên địa bàn (do không còn kết dư ngân sách địa phương).
Trong thực hiện cơ chế tài chính đặc thù theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, đến nay một số nội dung triển khai chậm so với kế hoạch, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo cơ quan kiểm toán, trong điều kiện TP đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới phù hợp với cơ chế chính quyền đô thị, đồng thời có giải pháp, nghiên cứu nhằm phát huy tối đa cơ chế, chính sách như: Phân cấp quản lý một số lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức...
Đáng lưu ý về nguồn cải cách tiền lương (CCTL), ngân sách bố trí năm 2021 còn một số tồn tại. Cụ thể, TP giao dự toán cho các đơn vị dự toán và các quận, huyện cân đối chi thường xuyên (phần chênh lệch lương cơ sở 280.000 đồng) và chi tăng thu nhập theo Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND chưa theo thứ tự ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện theo quy định.
Qua kiểm toán, căn cứ theo số liệu tại ngày 31/7/2022 xác định cấp thừa nguồn CCTL các quận, huyện (sau khi loại trừ nguồn đã sử dụng để chi tăng thu nhập theo Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố trong năm 2022 và số KTNN đã kiến nghị năm trước) là 1.938 tỷ đồng; chưa thu hồi kịp thời nguồn 10% tiết kiệm của các đơn vị dự toán về ngân sách các cấp theo quy định tại Thông tư số 109 của Bộ Tài chính; số dư nguồn CCTL từ NSNN của các sở, ngành TP phải thu hồi 184,4 tỷ đồng, do ngân sách chưa điều chỉnh giảm đầy đủ nguồn CCTL theo quy định.
Theo số liệu thu chi ngân sách đến thời điểm ngày 31/7/2021, có 10 quận, huyện bị hụt thu điều tiết ngân sách, tuy nhiên ngân sách TP chưa bố trí đủ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 các quận do một số chế độ chi chưa đảm bảo đủ cơ sở cấp kinh phí, song UBND quận và phường chưa trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý tài chính phù hợp theo quy định.
Cũng theo KTNN, lĩnh vực chi các dịch vụ công ích đô thị của TP HCM còn tồn tại, hạn chế, hầu hết các quận, huyện được kiểm toán chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa phù hợp với Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND của UBND TP; chưa thực hiện đầu thầu hoặc thực hiện đấu thầu chậm so với chủ trương của TP và quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP của Chính phủ; xây đơn giá dự toán để thực hiện đấu thầu chưa phù hợp quy định.