Năm năm trước, Mỹ đã tung đòn trừng phạt Huawei, cắt đứt quyền tiếp cận của công ty Trung Quốc này với các công nghệ tiên tiến của mình vì lo ngại gã khổng lồ viễn thông này sẽ do thám người Mỹ và đồng minh của họ.
Nhiều người trong ngành nghĩ rằng động thái này sẽ gióng lên hồi chuông báo tử cho một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc.
Đúng như dự đoán, ban đầu Huawei đã gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi giờ đây họ đang hồi sinh mạnh mẽ.
DELETE A
Được hỗ trợ bởi hàng tỷ USD hỗ trợ của nhà nước, Huawei đã mở rộng sang các mảng kinh doanh mới, thúc đẩy lợi nhuận và tìm ra những cách mới để hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ. Công ty đã giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm loại Huawei khỏi mạng lưới của các đồng minh.
Và công ty đang có sự trở lại lớn trong lĩnh vực điện thoại thông minh cao cấp, sử dụng chip mới tinh vi do công ty tự phát triển để giành khách hàng từ Apple.
Trong hành trình hồi sinh kỳ diệu của mình, Huawei được ví như “nhà vô địch quốc gia”, giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài - một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm loại bỏ công nghệ Mỹ tại Trung Quốc, được gọi là "Delete A", viết tắt của “Delete America”.
Sameh Boujelbene, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Dell'Oro Group cho biết: "Chiến dịch chống lại Huawei của chính phủ Mỹ vô tình củng cố khả năng phục hồi của công ty, lặp lại câu nói cổ xưa rằng những gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn".
Dĩ nhiên, trong trường hợp của Huawei, nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ đã đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ Huawei từ những ngày đầu, sự hỗ trợ của chính phủ đã tăng lên trong những năm gần đây. Lợi nhuận của Huawei đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ. Khoảng hai phần ba doanh thu của công ty đến từ khách hàng trong nước.
Hợp đồng của chính phủ và hồ sơ đăng ký công ty, cũng như các cuộc phỏng vấn với các nhân viên cũ và hiện tại, tiết lộ rằng hàng tỷ USD đã chảy từ ngân sách chính Trung Quốc đến Huawei thông qua các hợp đồng mua ưu đãi và trợ cấp. Các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chính phủ đã chọn sử dụng chip, điện thoại thông minh, dịch vụ đám mây và phần mềm của Huawei.
Chính quyền địa phương đã mua lại các doanh nghiệp của Huawei, qua đó cung cấp tiền mặt cho họ. Trước đây phụ thuộc vào Android của Google cho các thiết bị tiêu dùng, Huawei đã xây dựng hệ điều hành riêng. Thậm chí, họ còn lấn sân sang xe điện, một lĩnh vực mà Apple đã từ bỏ, và phát triển phiên bản Bluetooth riêng.
Huawei vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các chất bán dẫn tiên tiến nhất của họ vẫn còn kém xa các công ty dẫn đầu ngành như Nvidia. Một số chuyên gia trong ngành cũng tin rằng Huawei sẽ khó có thể tiếp tục đổi mới nếu không được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hơn của phương Tây.
“Chúng tôi đã trải qua rất nhiều thử thách trong vài năm qua. Nhưng qua từng thử thách, chúng tôi đã xoay xở để phát triển”, Huawei cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản, đồng thời nói thêm rằng công ty tồn tại và phát triển là nhờ tin tưởng và hỗ trợ của khách hàng toàn cầu, đối tác và “mọi thành phần của xã hội”. Công ty cho biết việc duy trì đầu tư R&D sẽ rất quan trọng trong tương lai.
Tại Mỹ, những người ủng hộ lệnh hạn chế Huawei cho biết họ đã đạt được mục tiêu chính của mình: giảm số lượng thiết bị Huawei trong các mạng lưới ở Mỹ và các đồng minh của nước này.
“Mục tiêu không phải là đẩy Huawei ra khỏi thị trường kinh doanh”, Matt Pottinger, cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền ông Trump và hiện là chủ tịch chương trình Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies cho biết. “Mục tiêu là bảo vệ các liên minh và dữ liệu của chúng tôi, và nếu điều đó khiến cuộc sống của Huawei trở nên khó khăn hơn thì càng tốt”.
Washington đang thận trọng theo dõi tiến triển của Huawei. Một quan chức Mỹ hiện tại cho biết Washington đang theo dõi chặt chẽ những nỗ lực của Huawei trong việc tự sản xuất chất bán dẫn, trong trường hợp cần có thêm hành động để ngăn chặn Trung Quốc sản xuất chip tập trung vào trí tuệ nhân tạo.
PHÚT THĂNG TRẦM
Huawei được thành lập vào năm 1987 bởi Ren Zhengfei, hiện 79 tuổi, với tư cách là nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch điện thoại. Sau đó, công ty đã trở thành một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong những công ty tư nhân có lợi nhuận cao nhất tại Trung Quốc. Công ty cũng đã thâm nhập ra ngoài Trung Quốc, với khoảng 48% doanh thu đến từ các khách hàng quốc tế vào năm 2018.
Khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại rằng Huawei có thể gây ra rủi ro an ninh cho các quốc gia sử dụng thiết bị của công ty này. Nhận thức của nước ngoài về công ty này trở nên tồi tệ hơn khi Mạnh Vãn Chu, một giám đốc điều hành của Huawei và là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, bị bắt giữ tại Canada vào năm 2018 vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Chính quyền ông Trump, vốn đã vận động các đồng minh loại Huawei khỏi mạng lưới của họ, đã thêm công ty này vào danh sách đen thương mại của Bộ Thương mại, cấm các công ty như Intel, Qualcomm và Google cung cấp công nghệ từ Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép.
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo Huawei tuyên bố rằng mọi sản phẩm họ sản xuất trong tương lai phải có thể hoàn toàn dựa vào các thành phần do các công ty Trung Quốc phát triển.
Trong bài phát biểu trước công chúng vào năm ngoái, ông Nhậm Chính Phi nhớ lại rằng một giám đốc điều hành của Huawei đã nói với ông: "Nước Mỹ không hiểu rằng với đòn giáng này, họ đang biến người ủng hộ lớn nhất của Mỹ thành kẻ chỉ trích lớn nhất".
Thậm chí, ở trụ sở Huawei, nhân viên còn thường xuyên được nghe khẩu hiệu: "Anh hùng cũng cần được rèn luyện, không phải tự nhiên sinh ra".
Tuy nhiên, trong một thời gian, có vẻ như Huawei sẽ phải vật lộn để duy trì vị thế. Năm 2021, doanh thu của công ty đã giảm gần 30% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông cốt lõi của công ty đang gặp khó khăn. iPhone của Apple đã chiếm lĩnh thị phần điện thoại thông minh của Huawei.
Theo Chris Peirera, cựu giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ công chúng của Huawei, Huawei tập trung vào việc xây dựng thêm chuỗi cung ứng của riêng mình và mở rộng sang các lĩnh vực mới có thể tạo ra doanh thu để giúp công ty tiếp tục hoạt động, bao gồm điện toán đám mây và các dịch vụ khác. Ông cho biết Nhậm Chính Phi là một nhà lãnh đạo có động lực.
“Trước đây, chúng ta theo đuổi lý tưởng toàn cầu hóa, quyết tâm phục vụ nhân loại. Nhưng mục tiêu của chúng ta bây giờ là gì? Đó là tồn tại. Chúng ta sẽ kiếm tiền ở bất cứ nơi nào có thể”, ông Nhậm sau đó nói với nhân viên trong một lá thư nội bộ.
Theo: WSJ