Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của Cục Thống kê TP HCM, năm 2022, thành phố giải quyết việc làm cho 315.612 lượt người, đạt 105,3% kế hoạch năm, tăng 3,3% so với năm 2021; số chỗ việc làm mới được tạo ra đạt 141.312 chỗ, đạt 100,9% kế hoạch năm, tăng 0,23% so với năm 2021.
Trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM đã tổ chức được 123 phiên giao dịch việc làm
Đầu năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM công bố 2 kịch bản dự báo thị trường lao động quý I/2023 và cả năm 2023 cho TP HCM dựa theo kinh tế trong nước và những tác động tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.
Kịch bản thứ nhất là tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm, dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng bị chững lại trong ngắn hạn nhưng dự báo sức tiêu dùng trong nước mạnh hơn sẽ bù đắp vào phần này. Các doanh nghiệp tại TP HCM vẫn duy trì nhu cầu tuyển lao động và có khoảng 280.000 - 300.000 chỗ làm việc mới cần tuyển người trong năm tới.
Kịch bản thứ hai là tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực hơn, doanh nghiệp tại TP HCM có cơ hội nhận thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất, nhu cầu lao động tăng, thu nhập của người lao động ổn định hơn. Với kịch bản này, TP HCM có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300.000 - 320.000 lao động trong năm 2023.
TP HCM có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300.000 - 320.000 lao động trong năm 2023 nếu tình hình kinh tế tăng trưởng toàn cầu tích cực
Theo phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, gần 70% nhu cầu tuyển mới trong năm 2023 tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30%. Nếu phân loại theo trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm gần 90% nhu cầu tuyển dụng.
TS Đinh Thanh Vân - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng để thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước thì một trong những giải pháp về lao động - việc làm đó là nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch (vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch), đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để họ yên tâm mở rộng sản xuất - kinh doanh, từ đó đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
TP HCM có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề qua đào tạo ngày một cao
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết cuối năm 2022 và trong quý I/2023, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn do giảm đơn hàng. Điều này khiến nhiều lao động bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập và đời sống khó khăn.
Ngoài các doanh nghiệp gặp khó khăn, hiện vẫn có nhiều doanh nghiệp trong khu vực thương mại - dịch vụ, chế biến công nghiệp, công nghệ cao... đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trong đầu năm 2023.
Theo ông Lâm, trong năm 2023, sở sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động bền vững, linh hoạt và hiệu quả. Trước mắt là tập trung rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
"Song song đó là tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt là các sàn giao dịch có sự phối hợp với các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm” - ông Lâm nhấn mạnh.
Người lao động kỳ vọng được làm việc lâu dài trong một doanh nghiệp có nhiều đãi ngộ tốt
Dự định của người lao động trong vòng 3 - 6 tháng tới
- Yếu tố cân nhắc khi chuyển việc
Yếu tố về "Môi trường làm việc" và "Văn hóa doanh nghiệp" ngày càng được người lao động quan tâm. Xét về những yếu tố mà người lao động sẽ cân nhắc khi chuyển việc, "Lương" và "Môi trường làm việc" tiếp tục là 2 sự lựa chọn chiếm tỉ lệ cao lần lượt là 13.56% và 11.27%. Góp mặt trong nhóm 5 lựa chọn cao nhất còn có yếu tố "Văn hóa doanh nghiệp" với 8.14%, "Sự thăng tiến trong công việc" với 7.33%, và "Cơ chế thưởng" với 6.09%.
Có thể thấy, những yếu tố góp phần cải thiện hiệu suất làm việc hiện mang tính quyết định đến sự gắn bó lâu dài của người lao động tại doanh nghiệp.
- Mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc
Người lao động tham gia khảo sát có kỳ vọng khá cao về mức thu nhập thay đổi khi chuyển việc. Mức "tăng ít nhất 30%" và "ít nhất 20%" so với thu nhập bình quân đứng vị trí thứ nhất và thứ hai trong tổng kết quả ghi nhận được, lần lượt chiếm tỉ lệ là 19.33% và 19.18%. So với số liệu về mức tăng thu nhập thực tế trong năm 2022 được cung cấp bởi người lao động tham gia khảo sát, đa số mức tăng này dao động "từ 5 - 10%" hoặc "không thay đổi", thì những kỳ vọng vào sự tăng thu nhập khi chuyển việc từ 20% - 30% đang là những con số khá cao.
Tuy vậy, vẫn có 15.57% người lao động "sẵn sàng thương lượng" về thu nhập và 13.66% khác "chấp nhận mức lương tương tự, miễn đó là cơ hội tốt". Điều này cho thấy, còn có những yếu tố phi tài chính khác ảnh hưởng đến kỳ vọng về công việc của họ.
- Thời gian gắn bó với một công việc
Thời gian gắn bó lâu dài với một công việc của người lao động hiện nay được xem là lựa chọn phổ biến. Gần một nửa số lượng người lao động tham gia khảo sát (chiếm 44.28%) chưa có ý định thay đổi công việc mới trừ khi tìm thấy cơ hội mới tốt hơn. Lựa chọn "càng lâu càng tốt" đứng vị trí thứ 2 với tỉ lệ là 16.25%. Đặc biệt, lựa chọn gắn bó với công việc từ "1 - 2 năm" đứng cuối danh sách với tỉ lệ là 6.75%.
Qua đó cho thấy tâm lý muốn chắc chắn và an toàn đang có nhiều ảnh hưởng đến người lao động, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến chuyển như hiện tại.
Trích Báo cáo Khảo sát lương 2023 của Navigos Group