Giữa tháng 5, thị trường tiền số rúng động khi hai token của Terraform Labs là Luna và stablecoin UST lao dốc, mất gần hết giá trị. Trước khi sụp đổ, Terra thu hút nhờ Anchor Protocol, ứng dụng cho vay hỗ trợ lãi suất tới 20% mỗi năm, bất chấp khoản tiền gửi thế nào. Nhiều chuyên gia và nhân viên Terraform Labs đã cảnh báo mô hình này kém bền vững, nhưng CEO công ty là Do Kwon đã phớt lờ.
Ngày 13/6, đến lượt Celsius Network - một trong những nền tảng vay và cho vay crypto lớn nhất thế giới, nơi người dùng có thể gửi và nhận lãi bằng tiền số với lãi suất tới 17% - gây chấn động khi thông báo không chấp nhận các yêu cầu chuyển hoặc rút tiền trong khoảng thời gian không xác định.
Thông báo khiến hàng triệu người gửi tiền vào nền tảng này điêu đứng do không thể lấy tiền của mình. Theo thống kê của Celsius Network tháng 5, nền tảng của họ có 1,7 triệu người sử dụng với hơn 12 tỷ USD được gửi vào, phần lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ngay sau đó, một nền tảng cho vay tiền số khác là Babel Finance ở Hong Kong cũng lâm vào khủng hoảng. Ngày 17/6, công ty thông báo đình chỉ việc rút tiền vô thời hạn do "sự biến động cao của thị trường". Đến nay, người đã gửi tiền vào Babel vẫn chưa thể nhận lại tiền của mình.
Đến 4/7, Vauld, công ty có trụ sở tại Singapore, quyết định dừng việc rút tiền đối với hơn 800.000 khách hàng. Trên blog, đại diện Vauld thừa nhận đang phải đối mặt với "những thách thức tài chính" do điều kiện thị trường tiền số biến động. Công ty cho biết khách hàng đã rút khoảng 200 triệu USD từ ngày 12/6 cho đến khi hệ thống ngừng hoạt động.
Mới nhất, ngày 6/7, Voyager Digital, công ty cho vay tiền số có trụ sở tại New Jersey, đã nộp đơn xin phá sản. Trước đó, họ cũng đóng băng việc rút tiền và đã thuê cố vấn, khiến tài sản của hàng nghìn người bị giữ lại.
Trong hồ sơ phá sản, Voyager ước tính họ có hơn 100.000 chủ nợ. Công ty sở hữu khối tài sản từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD, bao gồm 110 triệu USD tiền mặt cùng một lượng lớn tiền số. Tuy nhiên, họ cũng có khoản nợ tương đương số tiền này.
Cuối tuần trước, Voyager dừng việc rút, gửi tiền và giao dịch tài sản với lý do để phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại. Trước đó, họ thông báo về việc quỹ Three Arrows Capital (3AC) không trả được khoản vay 650 triệu USD dưới dạng 15.250 Bitcoin và 350 triệu USD stablecoin USDC.
Bản thân 3AC cũng đệ đơn phá sản ngày 1/7 lên tòa án liên bang Manhattan. Trước đây, 3AC thực hiện nhiều thương vụ đầu tư giá trị lớn vào tài sản kỹ thuật số. Năm ngoái, quỹ thu hút sự chú ý khi mua gần 39 triệu cổ phiếu do Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) phát hành, qua đó gom số Bitcoin trị giá 1,3 tỷ USD khi đó, trở thành thương vụ mua tiền số lớn nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, 3AC không còn khả năng trả nợ do đổ tiền vào Luna và UST. Do đã vay những khoản tiền lớn từ nhiều công ty khác nhau và đầu tư vào nhiều dự án tài sản kỹ thuật số, khi vỡ nợ, 3AC trực tiếp tác động đến thị trường và khiến khủng hoảng càng lan rộng.
"Nhìn chung, thị trường tiền số bắt đầu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tín dụng quy mô lớn đầu tiên", Lucas Outumuro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại IntoTheBlock, nói với Fortune. "Các công ty đã phát triển mạnh khi thị trường tăng giá, nhưng phơi bày nhược điểm lập tức và bị hạ gục khi khó khăn xảy ra. Đó là bài học nên có, và nó cũng từng xảy ra với tài chính truyền thống".
Trong khi đó, theo Brett Harrison, Chủ tịch sàn giao dịch tiền điện tử FTX, khủng hoảng sẽ tiếp tục lây lan thời gian tới do làn sóng sợ hãi từ các nhà đầu tư. "Không ai muốn trở thành nạn nhân cuối cùng, vì vậy, mọi người đổ xô đi rút tiền đã gửi", Harrison nói với FT.
Marcin Miłosierny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tại quỹ đầu cơ tiền điện tử ARK36, cũng đưa ra nhận định tương tự. Theo ông, khủng hoảng sẽ kéo dài hơn khi mùa đông tiền số bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất. "Khi giá coin đi xuống, rất nhiều người muốn đảm bảo tài sản, do đó họ sẽ rút tiền. Hiệu ứng quả cầu tuyết đang xảy ra", ông chia sẻ trên FT.