Theo tạp chí Live Science, ngôi sao được đặt biệt danh "Earendel", từ tiếng Anh cổ có nghĩa là "Ngôi sao buổi sáng", vì nó là một trong những vật thể thuộc về buổi bình minh của vũ trụ. Tên chính thức của nó là WHL0137-LS.
Earendel nằm cách Trái Đất đến 28 tỉ năm ánh sáng nhưng một may mắn tình cờ đã giúp Hubble "bắt" được nó trong thời gian phơi sáng 9 giờ, do ngôi sao cổ đại này tình cờ nằm phía sau một cụm thiên hà.
Vật thể từ buổi bình minh vũ trụ trong bức ảnh của Hubble - Ảnh: NASA/ESA/Brian Welch (JHU)/Dan Coe (STScI)/Alyssa Pagan (STScI)
Lực hấp dẫn từ các thiên hà khổng lồ ở tiền cảnh đã làm biến dạng không - thời gian, tạo nên hiệu ứng giống như thấu kính hấp dẫn giúp phóng đại ánh sáng của ngôi sao lên hàng chục ngàn lần, đủ để các thiết bị của Hubble nắm bắt được.
Báo cáo công bố trên Nature cho biết sự xuất hiện của ngôi sao không phải là tạm thời. Nó đã tồn tại ở điểm đó với độ phóng đại cao trong suốt 3,5 năm, tạo cho người Trái Đất một cơ hội vàng để "nhìn qua cửa sổ" vào vũ trụ sơ khai khó nắm bắt.
Earendel có thể nặng gấp 50-500 lần Mặt Trời và sáng hơn hàng triệu lần. Được sinh ra khi vũ trụ chỉ mới 900 triệu năm tuổi, tức Earendel đã gần 13 tỉ năm tuổi và hình ảnh chúng ta thấy được thật ra là hình ảnh của quá khứ gần 13 tỉ năm đó, phải mất một thời gian rất lâu để đến được Trái Đất. Các nhà nghiên cứu cho rằng Earendel có thể được đưa vào nhóm sao thế hệ đầu tiên của vũ trụ.
Đài CNN dẫn lời tiến sĩ Vicroria Strait từ Trung tâm Bình minh vũ trụ ở Copenhagen (Đan Mạch), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết khi ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy được từ Earendel phát ra, nó chỉ cách thiên hà chứa Trái Đất khoảng 4 tỉ năm ánh sáng. Tuy nhiên, do vũ trụ ngày một nở rộng sau vụ nổ Big Bang, bây giờ nó cách chúng ta tận 28 tỉ năm ánh sáng.