Kỹ năng sống

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng

Khi nhắc đến Nhật Bản, hẳn trong đầu ai cũng nghĩ ngay đến hoa anh đào, sushi hoặc những võ sĩ samurai lực lưỡng... Tuy nhiên, ở Nhật Bản còn có một loại tảo rất đặc biệt, nó được xếp vào hàng báu vật của xứ sở Mặt trời mọc.

Loài tảo này được đặt tên là "marimo" bởi nhà thực vật học Nhật Bản Tatsuhiko Kawakami vào năm 1898. Trong đó "Mari" là một quả bóng nảy và "Mo" là một thuật ngữ chung cho các loại cây mọc dưới nước.

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng - Ảnh 1.

Hiếm nên quý

Marimo là một dạng sinh trưởng hiếm gặp của tảo Aegagropila linnaei. Dạng thực vật thủy sinh này phát triển theo hình dáng khối cầu như những quả bóng lớn màu xanh lục với kết cấu và bề ngoài giống như nhung ướt.

Loài tảo cầu này được cho là chỉ tăng thêm 2-4cm đường kính mỗi năm. Đường kính của marimo thường dao động khoảng 12-30cm, tùy thuộc vào điều kiện nơi chúng phát triển. Nhưng chúng là loài tảo có tuổi thọ rất cao, có thể lên đến hàng trăm năm.

Các điều kiện cần thiết để hình thành marimo là cực kỳ hiếm. Marimo không mọc phủ quanh một vật thể cố định mà phát triển độc lập từ các sợi tảo mịn, liên tục tỏa ra và phân nhánh, tạo thành dạng hình cầu tròn như trái bóng tennis.

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng - Ảnh 2.

Marimo sinh trưởng và phát triển sâu dưới lòng nước, thường là ở dưới đáy hồ - nơi có nhiệt độ dao động từ 13 đến 35 độ C. Tại đây, những chuyển động nhẹ nhàng của dòng nước sẽ giúp cho chúng lăn qua lại để giữ được dạng hình cầu, đảm bảo mọi mặt đều có thể tiếp xúc với ánh sáng.

Chình vì những điều kiện đó mà chúng chỉ được tìm thấy ở Iceland, Scotland, Estonia và Nhật Bản. Đặc biệt, ở Nhật Bản chúng chủ yếu sinh sống ở hồ Akan, phía Đông đảo Hokkaido.

Hồ có đáy nông nên cung cấp các điều kiện cần thiết để tảo hình thành. Về cơ bản, chúng giống như tảo mà chúng ta hay nhìn thấy mọc trên đá, ngoại trừ việc chúng trôi nổi tự do dưới nước. Khi chúng phát triển to hơn, chúng lăn xuống sâu dưới đáy hồ. Càng lăn càng tròn. Rồi khi lăn tới vị trí đủ để ánh sáng mặt trời chiếu tới, chúng sẽ vỡ ra và trôi trở lại bờ. Sau đó, tảo "con" bắt đầu lăn trở lại, tiếp tục chu trình sống mới.

Một điều thú vị khác ở marimo là chúng có thể tự nổi lên và chìm xuống. Khi quang hợp, chúng nổi lên để lấy ánh sáng và sau đó lại chìm xuống nước.

Vì vậy, trong ngôn ngữ Ainu bản địa của người Hokkaido, chúng được gọi là torasampe (quái vật đầm lầy) và tokarip (quả bóng đầm lầy). Dù được gọi với cái tên nào đi chăng nữa, chúng đều là những quả bóng đáng yêu!

Tại sao Marimo lại là "báu vật" của Nhật Bản?

Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, ngày xưa có đôi nam nữ yêu nhau say đắm nhưng vì không đến được với nhau nên họ cùng trầm mình xuống dòng nước và trái tim họ hóa thành những quả cầu marimo.

Người Nhật rất bảo vệ và tôn sùng marimo bởi họ coi đó là một vật mang lại may mắn, tình yêu và sự thịnh vượng.

Thực tế, marimo trở nên quý vì vào khoảng giữa những năm 1920, marimo ở hồ Akan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn trộm cắp, buôn bán và mực nước hồ giảm. Cả marimo và môi trường của chúng đều bị tấn công.

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng - Ảnh 3.

Người ta nói rằng vào những năm 20 của Thời đại Showa (những năm 1940), các cửa hàng ở thành phố Kushiro gần hồ Akan đã bày bán Marimo đóng chai riêng lẻ với giá từ 30 đến 200 yên. Trong khi ở khu vực Tokyo, những quả cầu marimo rất được ưa chuộng, giá đắt lên tới 1.000 yên. Vô số marimo đã được khách du lịch mua và mang đi các địa điểm trên khắp Nhật Bản và thế giới.

Để tránh nguy cơ tuyệt chủng của loài tảo đặc biệt này ở Hồ Akan, người Nhật đã tổ chức hẳn Lễ hội Marimo (kéo dài ngày) để cho người dân thấy tầm quan trọng của marimo và cùng nhau bảo tồn chúng.

Marimo chính thức được coi là báu vật tự nhiên của Nhật Bản từ năm 1920. Vào năm 1950, khi những bức ảnh về hàng đống xác chết của Marimo được đăng trên các tờ báo quốc gia này và gây chấn động cả nước. Hưởng ứng với điều đó, rất nhiều người từ khắp đất nước Nhật Bản đã mua những quả bóng rêu lấy từ Akan và trả chúng về ngôi nhà tự nhiên của chúng.

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng - Ảnh 4.

Bắt đầu nhen nhóm từ năm 1950 với mục đích truyền cảm hứng để mọi người giúp giải cứu loài tảo cầu của hồ Akan trước nguy cơ tuyệt chủng, Lễ hội Marimo luôn khiến khách tham quan "mê mệt" mỗi độ thu về. Bởi hiếm khi du khách mới có cơ hội chứng kiến những phong tục của người Ainu bản địa và lắng nghe các bài hát dân ca của họ.

Sau khi bạn chứng kiến lễ cầu phúc trang trọng của các tu sĩ Ainu cho loài tảo cầu, mọi thứ trở nên sống động hơn khi đoàn diễu hành đuốc xuất phát cùng với màn trình diễn điệu nhảy truyền thống ấn tượng của cộng đồng người dân Ainu từ khắp Hokkaido quy tụ về. Hòa theo không khí lễ hội, bạn sẽ được tham gia một buổi tắm suối nước nóng dưới bầu trời sao tại một trong những ryokan sang trọng ở hồ Akan.

Thú cưng marimo

Tại Nhật Bản và rất nhiều nơi trên thế giới, người ta nuôi marimo như một loại thú cưng trong bể nước, bởi chúng có khả năng làm sạch bể và loại bỏ các loại rêu có hại. Có những thời điểm, giá một quả cầu Marimo ở Tokyo có thể lên tới 1.000 yên.

Không ngờ thứ màu xanh tròn xinh này lại là báu vật của Nhật Bản, nghe lai lịch càng thêm ngỡ ngàng - Ảnh 5.

Quá trình nuôi marimo cũng rất đơn giản và không hề tốn nhiều công sức. Bạn chỉ cần tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào Marimo. Chúng phát triển tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu.

Bạn cũng cần chú ý xoay các mặt cầu thường xuyên để đảm bảo chúng được tiếp xúc với lượng ánh sáng bằng nhau, và giữ được hình dáng tròn. Nước trong bể chứa marimo nên được thay một tuần một lần, trừ khi trong bể có chứa máy lọc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm