Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết tháng 4 có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.470 tỷ đồng. Các ngân hàng chiếm gần 91% trong số này, còn lại là doanh nghiệp năng lượng, vận tải, sản xuất và tài chính.
Diễn biến này đối lập hoàn toàn với hoạt động phát hành trong tháng 3 khi doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu tỷ trọng giá trị phát hành với 46,7%, sau đó mới đến ngân hàng và doanh nghiệp thuộc các ngành khác.
Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra ngày 7/4, hai ngày sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.
Tính chung bốn tháng đầu năm, nhóm bất động sản vẫn đứng đầu giá trị phát hành với 28.850 tỷ đồng, chiếm 37%. Tiếp đến là nhóm ngân hàng với 24.390 tỷ đồng, chiếm 31%.
Trước khi chững lại, thị trường trái phiếu được nhiều chuyên gia đánh giá là tăng quá nóng. Trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng vì dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành này vẫn phát hành ồ ạt và thường xuyên áp đảo về số đợt cũng như giá trị phát hành, thậm chí có tháng chiếm gần 60%.
Năm ngoái, bình quân lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản là 10,36% một năm và kỳ hạn phổ biến là 3-4 năm. 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu.
Theo VBMA, 62% nhà đầu tư sơ cấp của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, sau đó được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho nhà đầu tư cá nhân.