Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại một tuần bận rộn với nhiều dữ liệu vĩ mô được công bố từ nền kinh tế Mỹ, các chỉ số chính chốt tuần với mức tăng điểm khi giới đầu tư cho rằng yếu tố lạm phát đã qua đỉnh qua đó thúc đẩy các ngân hàng trung ương sớm thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ cứng rắn sang mềm mỏng.
Thị trường chứng khoán khu vực châu Á chốt tuần với mức cao nhất kể từ tháng 2, trong đó chứng khoán Hàn Quốc nối dài chuỗi tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp. Tuần này, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc tăng mạnh lần lượt 3,54% và 3,26%. Chứng khoán khu vực châu Âu cũng đang hoàn tất tuần tăng mạnh 1,53%.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, diễn biến điều chỉnh đã tiếp tục trong tuần, sau khi tăng nhẹ lên vùng 1.074 VN-Index đã chịu áp lực bán mạnh và chinh thức rời khỏi mốc 1.070. Khi chạm ngưỡng 1.060, chỉ số đã có diễn biến hồi phục nhưng chỉ duy trì được 1 phiên và tiếp tục giảm sâu hơn sau đó.
VN-Index chốt tuần tại 1.052,89 điểm, giảm 16,82 điểm, tương đương 1,57% so với cuối tuần trước và cũng là tuần giảm điểm đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp.
Khi các bluechip khác chịu áp lực điều chỉnh, NVL bất ngờ vươn lên dẫn đầu danh sách 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong tuần, với mức tăng 6% NVL đã giúp VN-Index tăng 0,4 điểm. Chiều giảm điểm, VCB dẫn đầu danh sách ảnh hưởng tiêu cực khi giảm 1,8% kéo VN-Index giảm 1,9 điểm, SAB đứng thứ hai với mức ảnh hưởng là -1,6 điểm lên chỉ số.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Khối ngoại tiếp tục bán ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị gần 1.735 tỷ đồng. STB, HPG và VND là 3 cổ phiếu bị bán ròng lớn nhất với giá trị lần lượt 287,2 tỷ đồng, 261,1 tỷ đồng và 190,2 tỷ đồng. Chiều mua ròng khối này chỉ mua vào duy nhất HDB có giá trị trên 100 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại trở lại mua ròng hơn 25 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 21,1 tỷ đồng mua gom cổ phiếu TNG của Tập đoàn C.E.O. Kế tiếp là IDC (19,5 tỷ đồng), PVS (13,4 tỷ đồng) và các giao dịch tương tự khoảng 3 - 5 tỷ đồng như TNG, LHC, HUT, ...
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 31,7 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 2,7 tỷ đồng mã IDJ. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như PLC, MBS, NVB, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng đột biến với quy mô gần 1.360 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận đột biến mã IDP.
Tại chiều mua, cổ phiếu IDP của Sữa Quốc tế dẫn đầu với quy mô gần 1.375 tỷ đồng. Theo sau là QNS (9,5 tỷ đồng), MPC (6,1 tỷ đồng), LTG (5,9 tỷ đồng), và các giao dịch trên dưới 2 tỷ đồng ở các mã như CST, PGB, QTP, OIL, SID, ...
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư tập trung bán ròng các cổ phiếu VTP (21,4 tỷ đồng), VEA (6,7 tỷ đồng), ACV (4,3 tỷ đồng), NTC (1,6 tỷ đồng), BSR (1,6 tỷ đồng), ...
Nhìn chung, phiên giảm cuối tuần đẩy VN-Index phá vỡ vùng đi ngang theo chiều đi xuống sau 5 phiên đi ngang trước đó. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất trong nhịp điều chỉnh hiện tại khi nhà đầu tư chốt lời nhóm cổ phiếu dẫn dắt ở nhịp tăng vừa qua (nhóm cổ phiếu bất động sản).
Theo dự báo của Chứng khoán MB, về kỹ thuật, VN-Index đã để mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn ở các đường MA20, MA50, … Xác suất chỉ số này kiểm định vùng hỗ trợ 1.043 – 1.047 điểm đang tăng lên trong bối cảnh trong và ngoài nước không có thông tin hỗ trợ.