Khoảng trống thông tin cùng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến xu hướng thị trường vẫn chưa được xác định rõ ràng.
VN-Index mở cửa trong sắc xanh, bật lên sau ATO, nhưng nhanh chóng bị kéo về sát tham chiếu khi áp lực bán chặn ở vùng giá cao. Lực mua dè chừng, không tham gia mạnh, trong khi bên bán cũng không hạ giá quyết liệt khiến đồ thị của chỉ số gần như đi ngang trong cuối phiên sáng.
Sang phiên chiều, thị trường biến động mạnh hơn. Trạng thái giao dịch giằng co trong biên độ hẹp với nhịp giao dịch chậm khiến nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn. Áp lực bán tăng vọt sau 14h khiến chỉ số lao dốc. VN-Index có lúc lùi về gần ngưỡng 1.000 điểm, trước khi bật trở lại khi dòng tiền bắt đáy tham gia. Khối ngoại tiếp tục là một điểm sáng khi mua ròng liên tục.
Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 4 điểm (0,42%), xuống dưới ngưỡng 1.020 điểm. VN30-Index ở chiều ngược lại khi tăng 3,3 điểm (0,32%) lên 1.033,1 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng cùng giảm điểm khi đóng cửa.
Sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điểm vào cuối phiên, với gần 300 mã giảm trên HoSE, so với 119 mã tăng. Riêng nhóm VN30, trạng thái có phần cân bằng hơn với tỷ lệ số mã tăng giảm là 14:13.
Bất động sản vẫn là cái tên bị bán tháo mạnh nhất. Trong VN30, NVL và PDR tiếp tục nằm sàn, giảm hết biên độ 7%. KDH mất gần 3%, SSI, POW giảm trên 2%. Trong nhóm vốn hóa trung bình, DIG, QCG, ITA, CEO giảm hết biên độ, HQC, SCR, CII, NBB lùi sâu dưới tham chiếu.
Các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, xây dựng, thép cũng chịu chung cảnh giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng là trụ đỡ của thị trường. STB có thêm gần 5% vào cuối phiên, VPB tăng 2%, ACB, HDB, MBB, BID vượt trên tham chiếu. Cổ phiếu ngành thực phẩm, tiêu dùng như VNM, SAB cũng giao dịch khởi sắc.
Lực đỡ cho thị trường một phần cũng đến từ giao dịch khối ngoại. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1.700 tỷ đồng trên HoSE, trong đó riêng mã EIB của Eximbank được mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng.