Trong tuần 14 - 18/8, thị trường điều chỉnh sau 6 tuần tăng liên tiếp, xuất hiện phiên có thanh khoản kỷ lục. Theo quan sát, khá nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra trong tuần như: (1) Evergrande nộp đơn phá sản tại Mỹ; (2) Một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Trung Quốc gặp khó khăn tài chính và (3) Cổ phiếu VIC rơi vào nhịp điều chỉnh ảnh hưởng lớn đến VN-Index.
Các yếu tố trên đã khiến VN-Index để mất 4,4% trong tuần tương ứng 54,22 điểm và chốt tuần tại mốc 1.177,99 điểm. Toàn bộ mức giảm điểm trong tuần đến từ phiên giao dịch cuối tuần (18/8) và phiên này cũng trở thành phiên có thanh khoản lớn nhất từ trước đến nay với hơn 1,64 tỷ đơn vị khớp lệnh trên HOSE.
VIC điều chỉnh 7,9% trong tuần kéo VN-Index giảm 5,5 điểm, tiếp đến là VHM kéo VN-Index giảm 4,5 điểm. Nhóm Ngân hàng có 6 đại diện trong top 10 gánh nặng của chỉ số và ảnh hưởng làm VN-Index giảm 9,2 điểm.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Khối ngoại trong tuần đã bán ròng 960 tỷ đồng trên HOSE, trong đó riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 1.186 tỷ đồng.
Giao dịch bên bán tập trung vào VPB (363,9 tỷ đồng). Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàngSumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) mua gần 1,2 tỷ cổ phần mới phát hành của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Mới đây, đại hội đồng cổ đông VPBank cũng đã thông qua về kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC, ước khoảng 35.904 tỷ đồng. Dự kiến 11.905 tỷ đồng sẽ được ghi nhận vào vốn điều lệ và gần 24.000 tỷ đồng được ghi nhận vào thặng dư vốn cổ phần.
Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian là 5 năm kể từ ngày hoàn thành việc đăng ký bổ sung số cổ phiếu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Trở lại với giao dịch bán ròng của khối ngoại, danh mục còn có sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN (360,4 tỷ đồng), MWG (143,1 tỷ đồng), BVH (123,3 tỷ đồng), STB (80,2 tỷ đồng), …
Chiều mua ròng, CTG được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 508,5 tỷ đồng. Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), kết thúc quý II/2023, CTG ghi nhận 12,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ.
Nhóm phân tích cho rằng CTG duy trì được tỷ lệ NIM khá tốt, chỉ giảm nhẹ 4 điểm cơ bản so với quý I/2023. Bên cạnh đó, CTG cũng tích cực trong việc xử lý rủi ro 13,7 nghìn tỷ nợ xấu và mạnh tay trích lập dự phòng thêm 13,2 nghìn tỷ trong nửa đầu năm 2023. Qua đó, tỷ lệ NPL được duy trì ở mức 1,27% và tỷ lệ bao nợ xấu cao thứ hai toàn ngành (169%, sau VCB).
CTG đang được giao dịch với P/B 2023 ở mức 1,27x và ROE ước đạt 17%. Lợi nhuận 2023 - 2024 ước tính đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ và 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 143 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 17,4 tỷ đồng gom cổ phiếu BVS của Chứng khoán Bảo Việt. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của IDC (6,3 tỷ đồng), TIG (5,2 tỷ đồng), PVI (4 tỷ đồng) và TVD (3,3 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 99,3 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS, theo sau là 38,9 tỷ đồng mã TNG. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như DTD, NVB, CEO, … với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM, khối ngoại chỉ còn mua ròng nhẹ hơn 25 tỷ đồng sau tuần gom ròng đột biến hơn 990 tỷ đồng trước đó.
Tại chiều mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu với quy mô hơn 38,4 tỷ đồng. Kế tiếp NĐT nước ngoài cũng bán ròng 10,1 tỷ đồng mã VTP và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như VGG (7,8 tỷ đồng), MCH (5,5 tỷ đồng), SGB (5,1 tỷ đồng), …
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất hơn 32,9 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu ACV (5,9 tỷ đồng), RIC (1,8 tỷ đồng), VEA (1,8 tỷ đồng), MPC (1,5 tỷ đồng), …