Anh Nguyễn Thanh Hoàng (trú tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) từ một nhân viên văn phòng với mức lương 11 triệu đồng/tháng ở TPHCM đã quyết định về quê khởi nghiệp với nghề nuôi cá cảnh. Anh bén duyên với nghề này rất tình cờ. Thời điểm đó khi dịch Covid-19 bùng phát, anh trở về quê để tránh dịch.
“Cũng nhiều thời gian rảnh, tôi có mua 5 cặp cá 7 màu về nuôi với giá 75.000 đồng. Thùng xốp của gia đình tận dụng làm bể nuôi cá luôn nên không mất thêm chi phí gì. Không ngờ, tôi nuôi một thời gain cá bắt đầu sinh sản. Thấy cả sinh sản nhiều, tôi đã đăng lên mạng bán”, anh kể lại.
Nhiều người bắt đầu hỏi mua, khiến anh nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường cá cảnh. Nhận thấy đây là cơ hội, anh quyết định dấn thân vào nghề nuôi cá cảnh và bỏ lại công việc văn phòng. Anh bắt đầu mở rộng quy mô nuôi, tập trung đầu tư để phát triển thành một cơ sở kinh doanh cá cảnh.
Hiện tại, anh đã mở rộng diện tích trang trại lên tới 1.500m2.
Từ một trang trại nhỏ, anh Hoàng đã nâng cấp và mở rộng lên tới 1.500m2 với 100 bể xi măng, chuyên nuôi các loại cá nước ngọt như bảy màu, lia thia.
Sau một thời gian, thị trường cá cảnh nước ngọt bắt đầu bão hòa, anh quyết định mở rộng thêm sang cá và sinh vật biển như: cá Hề, Cánh Bướm, tôm, bạch tuộc và cả san hô...
Khi dần chuyển sang mô hình nuôi cá biển, anh cho biết đó cũng là một thách thức lớn đối với anh. Một trong những thách thức lớn khi nuôi cá biển là chi phí đầu tư vào thiết bị và máy móc để duy trì môi trường sống cho các sinh vật biển. “Chỉ riêng việc duy trì một bể cá biển tiêu chuẩn, tôi đã tốn khoảng 10 triệu đồng, thậm chí có thể cao hơn rất nhiều nếu yêu cầu thiết bị đặc biệt”, anh thông tin.
Theo anh, người nuôi cần nắm vững một số kiến thức nuôi mới có thể thành công.
Ngoài chi phí cho cá, anh phải chi tiền cho các loại thiết bị như đèn chiếu sáng, hệ thống lọc nước biển, máy lạnh… Thêm vào đó, giá cá biển cũng không hề rẻ. Các loài cá cảnh biển có giá từ vài chục nghìn đồng cho cá trong nước, nhưng nếu nhập cá ngoại thì giá có thể lên đến vài triệu đồng mỗi con. Vì vậy, dù nhu cầu với cá biển không bằng cá nước ngọt, nhưng khách hàng lại chủ yếu là những người có điều kiện tài chính.
Để có được như ngày hôm nay, anh Hoàng phải dành nhiều ngày thử nghiệm để tìm ra phương thức nuôi cá sao cho giống với môi trường tự nhiên. Mỗi loại sinh vật biển đòi hỏi các yếu tố như nhiệt độ nước, ánh sáng, và các chất trong nước phải được điều chỉnh phù hợp.
Hiện, anh có thể thu đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Anh đã tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn như mạng internet và các hội nhóm nuôi cá để học hỏi và áp dụng. “Sau nhiều lần thất bại, tôi cũng tạo ra môi trường sống thích hợp cho cá biển”, anh chia sẻ thêm.
Sau 4 năm khởi nghiệp, anh Hoàng đã có một trang trại cá cảnh có tiếng tại địa phương với quy mô lớn. Mỗi tháng, anh cung cấp hơn 10.000 con cá cảnh nước ngọt và gần 1.000 cá thể cá biển và san hô cho các thị trường miền Nam. Thu nhập của anh đã gấp ba lần so với mức lương cũ khi làm nhân viên văn phòng.
Anh Hoàng cũng chia sẻ dự dịnh thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, cải tạo các bể xi măng nuôi cá nước ngọt và tăng quy mô cho mô hình sinh vật biển để tăng thêm thu nhập.