Lãi dự thu của các ngân hàng ghi nhận sự phân hoá rõ rệt sau ba tháng đầu năm tuy nhiên xu hướng tăng vẫn chiếm chủ đạo. Trong 26 ngân hàng khảo sát, có tới 18 nhà băng có lãi dự thu tăng, trong đó có 11 nhà băng ghi nhận tăng trưởng hai chữ số.
Tính tới 31/3/2022, tổng lãi dự thu của nhóm ngân hàng khảo sát ở mức 101.819 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2021 và gấp gấp đôi so với tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng.
Các "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV, nhóm ba ngân hàng có tổng dư nợ lớn nhất hệ thống, đều ghi nhận lãi dự thu tăng trong ba tháng đầu năm. Tăng mạnh nhất là tại Vietcombank gần 15% và tiếp đó là BIDV (tăng hơn 11%) vàVietinBank (tăng 8%).
Ngân hàng ghi nhận lãi dự thu tăng cao nhất là SeABank từ 1.679 tỷ đồng lên 2.971 tỷ đồng, tương đương tăng 77%. Tuy nhiên, nếu xét con số tuyệt đối, số lãi phí dự thu của ngân hàng cũng chỉ tăng 1.292 tỷ đồng.
Một ngân hàng có lãi dự thu tăng trưởng hai chữ số như SHB (43%), Techcombank (24,9%), Vietcombank (14,9%), VIB (28,4%), TP Bank (17,6%), VietCapital Bank (17,4%).
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng ghi nhận lãi dự thu giảm so với cuối năm 2021 như Sacombank, ACB, Eximbank, LienVietPostBank, NCB, PG Bank. Trong đó, Sacombank là ngân hàng có lãi dự thu giảm mạnh nhất với 20,2%, tương ứng với 2.006 tỷ đồng.
Lãi dự thu cuối năm 2021 của ngân hàng đạt gần 6.000 tỷ trong đó quý IV/2021 trích lập dự phòng gần 2.500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến phần còn lại sẽ trích lập trong quý III năm nay sẽ trích lập đủ.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến cuối năm 2021,tài sản tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu đã giảm 57% so với cuối năm 2016, chỉ còn chiếm 8% tổng tài sản.
Đồng thời, dự kiến chậm nhất đến năm 2023, Sacombank sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, chính thức hoàn thành trước hạn đã được NHNN phê duyệt.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Nhóm ngân hàng có lãi dự thu cao phần lớn là những tổ chức đang trong quá trình thực hiện đè án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Ngoài ra, NHNN cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trong khoảng 5-10 năm.